Trăm cái khó bủa vây ô tô nội
Theo đánh giá của TC Motor: “Thị trường ô tô 6 tháng đầu năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng với hơn 35%, đây là mức sụt giảm thấp nhất trong vòng 05 năm trở lại đây. Sang tới nửa đầu 2021, thị trường có tăng trưởng nhẹ nhưng chỉ mang tính chất ngắn hạn”.
Thị trường 6 tháng đầu năm có tăng nhưng vẫn âm 24% so với 6 tháng liền kề trước đó (tính riêng xe du lịch). Phân khúc xe khách/xe buýt bị tác động nghiêm trọng nhất khi 06 tháng đầu năm 2020 đã giảm gần 80% so với cùng kỳ 2019.
Một vấn đề khác hiện nay là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất linh kiện ô tô trên khắp thế giới vẫn tiếp tục đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản xuất đình trệ và việc hạn chế giao thương giữa các quốc gia. Các lệnh đóng cửa thường xuyên được ban hành đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp linh kiện sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.
Dịch bệnh cũng khiến tài chính của người tiêu dùng sụt giảm, tâm lý tích trữ tiết kiệm gia tăng. Người tiêu dùng chuyển hướng sang quan tâm đến các mặt hàng thiết yếu nhiều hơn là ô tô.
Kết hợp của các yếu tố trên với bối cảnh chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cuối năm 2020 không còn hiệu lực, tình hình dịch phức tạp, dự báo đến cuối năm toàn thị trường sẽ sụt giảm từ 5 đến 17%.
Sự cần thiết hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô
Theo nhiều nghiên cứu, với nhiều nước, công nghiệp ô tô là ngành có đóng góp lớn trong cơ cấu GDP, tạo ra hàng triệu việc làm và có sức lan tỏa lớn. Trụ cột của ngành là sản xuất, lắp ráp chứ không dựa trên nền tảng các hoạt động thương mại xuất, nhập khẩu đơn thuần.
Tại Việt Nam, ngành Công nghiệp ô tô có đóng góp trung bình khoảng 3% GPD, doanh số ngành đạt gần 400.000 xe/năm, chưa tương xứng với năng lực sản xuất và nhu cầu phát triển thị trường công nghiệp ô tô trong nước.
Nhưng với cơ hội của một nền kinh tế 100 triệu dân, Việt Nam có đủ động lực để phát triển một ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất, lắp ráp ô tô lớn mạnh với năng lực tương tự, thậm chí là lớn hơn nước phát triển nhất trong khu vực hiện nay là Thái Lan.
Để đạt được mục tiêu đó, ngành Công nghiệp ô tô cần có những hỗ trợ trước mắt và ngắn hạn từ Chính phủ để có đủ động lực khôi phục lại thị trường. Một trong những hỗ trợ được được đề xuất áp dụng là tiếp tục hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ tới ít nhất hết năm 2021.
Việc áp dụng giảm lệ phí trước bạ có thể gây ảnh hưởng tới thu ngân sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách vẫn đang bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh. Nhưng báo cáo của Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ngày 28/6 đến 31/12/2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.
Từ các dữ liệu này, các nhà sản xuất xe cho rằng giảm trước bạ vừa tạo ra lợi thế cho ngành Công nghiệp ô tô trong nước, vừa có thể đảm bảo thu ngân sách.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Thaco cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành đang phải giãn cách xã hội như hiện nay là cần thiết để thúc đẩy doanh số bán hàng, người tiêu dùng hưởng lợi và doanh nghiệp có thể nhanh chóng vượt qua được khó khăn.
Trong khi đó, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định, Chính phủ đã gửi bộ Tài chính xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp rồi thì việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ sớm được ban hành. Đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy thị trường ô tô trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.
Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia là nước cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh COVID-19. Nghành công nghiệp ô tô của quốc gia này cũng đứng trước nhiều thách thức.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2020, Chính phủ nước này đã quyết định miễn toàn bộ thuế bán hàng với xe lắp ráp trong nước. Trước đó mức thuế này được xác định bằng 10% (tương đương với mức phí trước bạ ở Việt Nam) với giá bán xe.
Kết quả doanh số bán xe trong năm 2020 của nước này vẫn duy trì được con số tổng cộng 529.434 xe. Tới tháng 6/2021, số xe lượng xe đã được đăng ký mới ở nước này đạt 249.129 xe, đạt gần 50% tổng doanh số 2020. Chương trình giảm thuế của Malaysia sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2021.