Giải pháp phát triển thị trường dược phẩm trong nước

TPO - Quản lí giá thuốc phải bảo đảm theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định pháp luật. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số” do báo Tuổi trẻ TP.HCM tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của 80 đại biểu đến từ Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược, Bộ Công Thương, các chuyên gia ngành dược, chuyên gia về tin học y tế, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối dược, các nhà thuốc và người tiêu dùng.

Ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - hội nhập, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông tin, một trong những điểm nhấn của dự thảo sửa đổi luật lần này là quản lí chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và bảo đảm tính đặc thù của Luật Dược.

“Tuy chỉ là sửa đổi, bổ sung nhưng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược 2016 đã có những thay đổi rất lớn từ hình thức đến nội dung. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược năm 2016 thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù trong giai đoạn COVID-19; đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược (đây là khâu mang tính đột phá so với Luật Dược 2016); đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đơn giản hóa thủ tục hành chính về trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, tăng cường việc thừa nhận, công nhận nhằm tạo điều kiện thông thoáng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp…”, TS. Trung nói.

Ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - hội nhập, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) phát biểu.

Một trong những điểm nhấn của dự thảo sửa đổi luật lần này là quản lí chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và bảo đảm tính đặc thù của Luật Dược. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và Nhà nước.

Theo TS. Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lí giá thuốc là vấn đề cực kì khó khăn và nội dung rất lớn của dự luật. Đây cũng là vấn đề được dư luận, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất chờ đợi.

"Đây là biện pháp quản lí giá nhưng với lĩnh vực cạnh tranh thị trường sẽ có doanh nghiệp nêu ý kiến tại sao không được bán cao hơn. Bởi cùng là doanh nghiệp, sự bình đẳng về cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên, đây là biện pháp Bộ Y tế đưa ra được luật hóa và là biện pháp kế thừa quy định trước đây, thay bằng kê khai giá thì thực hiện công bố giá. Trước đây, với bán lẻ thuốc, chúng ta không có khái niệm kê khai giá bán lẻ nhưng trong dự luật mới sẽ cần quy định việc các cơ sở phải kê khai giá bán lẻ với cơ quan quản lí trên địa bàn và niêm yết giá trên sản phẩm"- bà Nhị Hà nói.

Ông Vũ Thái Hà, Giám đốc vận hành eDoctor, thành viên nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về ứng dụng khám bệnh từ xa cho rằng, y khoa luôn là cốt lõi để chăm sóc sức khỏe người dân và công nghệ sẽ giúp hoàn thiện tính năng.

Hiện nay Việt Nam chưa có quy định về mua bán thuốc online. Việc mua thuốc phải được thực hiện trực tiếp tại địa điểm đã được cấp phép, đủ điều kiện kinh doanh về dược. Bộ Y tế đề xuất đưa vào quy định liên quan đến phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định.

Các địa biểu tham gia hội thảo chia sẻ, lĩnh vực dược phẩm đã có rất nhiều hoạt động chuyển đổi số, thực sự có tác động làm chuyển dịch ngành dược phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên, dược phẩm là ngành nghề kinh doanh đặc thù, nhất là trong khâu phân phối vẫn bị đánh giá còn khá nhiều vướng mắc. Trong khi đó, một số nội dung của Luật Dược năm 2016 không còn phù hợp với yêu cầu quản lí từ giai đoạn sản xuất, kinh doanh cho đến việc cung ứng thuốc đến tay người tiêu dùng.