Trong tổng số hơn 647 nghìn doanh nghiệp, đến nay chỉ còn hơn 463 nghìn doanh nghiệp hoạt động. Các doanh nghiệp dừng hoạt động tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn; bán lẻ; xây dựng; chế biến; chế tạo; bất động sản...
“Những doanh nghiệp rút khỏi thị trường để lại những hệ quả xã hội và pháp lý” - TS Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nhận định.
Theo TS Cương, hệ quả xã hội là cha con từ nhau, vợ chồng ly tán, có trường hợp chủ doanh nghiệp rơi vào trạng thái bệnh tâm thần hoặc tự tử... do nợ nần, mất uy tín.
Hàng loạt các vụ vỡ nợ, trốn nợ, xiết nợ… gây mất trật tự an ninh xảy ra ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác thời gian qua cũng liên quan tới hiện tượng doanh nghiệp giải thể, phá sản.
Còn hệ quả pháp lý là hàng loạt mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động, với cơ quan nhà nước, với các đối tác kinh doanh buộc phải chấm dứt...
Làm sao để doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách lành mạnh? Theo TS Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần phải rà soát tổng thể, phân loại tình trạng tài chính, lĩnh vực kinh doanh của từng doanh nghiệp, để xử lý các doanh nghiệp có chỉ số tài chính xấu và kinh doanh trong các lĩnh vực kém hiệu quả.
TS Chung cho rằng, một mặt cần lành mạnh hóa công tác kế toán tài chính của các doanh nghiệp, xử lý triệt để vấn đề nợ, mặt khác, cần tăng cường kỷ luật báo cáo, cung cấp thông tin với các cơ quan có thẩm quyền.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định, đây chính là thời điểm cần tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước.
Cần có những chính sách tiếp theo, vận hành một cách quyết liệt, để có được một hệ thống doanh nghiệp mới, lành mạnh hơn, cạnh tranh tốt hơn.