Đó là một chiếc thẻ, hình dáng bên ngoài giống như thẻ ngân hàng ATM. Tuy nhiên, thay vì dùng để rút tiền, chiếc thẻ này có tác dụng đặc biệt hơn thế rất nhiều. Nó giúp các cầu thủ tuyển Italy có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu, trong đó có chứa tất cả thông tin liên quan tới World Cup.
Chiếc thẻ là quá trình nghiên cứu và lao động miệt mài của HLV Cesare Prandelli và các cộng sự của ông. Họ đã mất thời gian dài thiết lập nên hồ sơ và video của các đội bóng đối thủ, lịch trình tập luyện và thi đấu của đội bóng, thông tin về các vị trí tốt nhất để có thể ghi bàn từ một quả phạt góc hay những bài phát biểu nhằm thúc đẩy động lực thi đấu từ các HLV… Đó là tất cả những thông tin chứa trong miếng nhựa nhỏ có thể đặt gọn trong lòng bàn tay.
“Ở cái thời của chúng tôi thì phải sử dụng các thư mục và các mảnh giấy được photo và chuyền cho nhau. Bây giờ, chỉ cần một tấm thẻ là đủ”- Demetrio Albertini, cựu tiền vệ của Milan, cho biết. Albertini là người được phân công nhiệm vụ làm việc với đội ngũ kỹ thuật và các cầu thủ của tuyển Italy để triển khai dự án đem công nghệ vào huấn luyện này.
Không chỉ có “chiếc thẻ đa năng”, tuyển Italy cũng sáng chế ra bộ cảm biến để giúp cầu thủ thích nghi với thời tiết nơi họ thi đấu.
Thiết bị cảm biến - xu hướng mới của bóng đá thế giới
EURO 2012, Italy đã thất bại trước Tây Ban Nha ở trận chung kết mà cầu thủ của đội bóng áo Thiên thanh thi đấu thiếu sắc sảo và tỏ ra vô cùng mệt mỏi. Confederations Cup năm ngoái tại Brazil, HLV Prandelli cũng nhận ra những rủi ro trong các điều kiện thời tiết đối với phong độ cầu thủ.
Hoạt động nhiều dưới nhiệt độ và độ ẩm cao rất dễ khiến cầu thủ ra mồ hôi và mất nước gấp 2 lần bình thường. Lo ngại nguy cơ đó tại World Cup 2014, Liên đoàn bóng đá Italy đã tiến hành họp bàn và đề ra phương án sáng chế mẫu cảm biến để đo những yếu tố mà bằng mắt thường và kinh nghiệm, các HLV thể lực không thể đoán định.
“Mỗi cầu thủ được nghiên cứu chặt chẽ trong vòng 20 phút tại một thời điểm nhất định”- một thành viên trong đội ngũ huấn luyện của ông Prandelli cho biết. “Trong thời gian đó, chúng tôi có thể theo dõi 4 yếu tố: nhiệt độ bên trong cơ thể của cầu thủ, tình trạng thể lực, xét nghiệm mẫu máu lấy từ tai và đo trọng lượng của họ…”.
Thiết bị này sẽ được lắp trên người các cầu thủ, thường là ở bên trong đệm bảo vệ đầu gối hoặc tại cơ bắp - nơi cầu thủ phát huy tốc lực tối đa trong một thời gian ngắn nhất.
Dữ liệu thu được từ cảm biến sẽ được truyền về một ăng-ten đặt bên trong SVĐ. Các dữ liệu sẽ được HLV, chuyên gia phân tích để đánh giá, qua đó đưa ra phương pháp hiệu quả nhất. Các thông tin này cũng có thể được sử dụng để giảm nguy cơ chấn thương.
Cảm biến được thiết kế bởi Đại học Polytechnic tại Milan còn giúp đo nhịp tim, tình trạng sức khỏe và thậm chí cả khía cạnh tâm lý của cầu thủ thời điểm đó.
Ngoài ra còn có một bộ cảm biến GPS theo dõi tốc độ và chuyển động chính xác của từng vận động viên. Cảm biến bởi thế ngày càng trở nên cần thiết với các HLV để họ hướng tới phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại.