Bức ảnh một quả cầu xanh lớn xuất hiện phía trước Mặt Trời đang được lan truyền trên mạng khiến nhiều người lo ngại đó có thể là vật thể bay không xác định (UFO). Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa giải thích đây chỉ là sự cố do máy ảnh gây ra, Independent hôm nay đưa tin.
Các bức ảnh được chụp bởi tàu vũ trụ SECCHI, có nhiệm vụ theo dõi bề mặt Mặt Trời và gửi hình ảnh về Trái Đất. Theo NASA, trong một số tình huống hiếm gặp, bộ xử lý hình ảnh STEREO trên tàu vũ trụ SECCHI bị quá tải, tạo ra hình ảnh không chính xác. Nó nhầm lẫn hình ảnh giữa các kính viễn vọng với nhau.
"Hình ảnh từ kính viễn vọng Heliospheric Imager (HI) được tạo ra bởi nhiều hình ảnh phơi sáng ghép lại, điều này đôi khi dẫn đến hiện tượng 'phơi sáng kép', tức là dữ liệu từ nhiều kính thiên văn xuất hiện trong cùng một bức ảnh", NASA giải thích.
Vì thế, hình ảnh đang được chia sẻ thực chất là hai bức ảnh Mặt Trời chồng lên nhau. Dù chưa được khẳng định chắc chắn nhưng đây là giải thích nhiều khả năng xảy ra nhất.
Ngoài ra, bức ảnh cũng không nhất định là màu xanh. Trong thực tế, đây là hình ảnh không màu được xử lý qua bộ lọc xanh, dẫn đến việc màu sắc của Mặt Trời trong nhiều bức ảnh chụp bởi kính viễn vọng khác với khi chúng ta nhìn từ Trái Đất.