Giải mã cú hạ bệ chóng vánh của Thủ tướng Úc Tony Abbott

TPO - Chưa đầy 1 ngày sau cuộc 'thách đấu' của Bộ trưởng Truyền thông Malcolm Tumbull, Thủ tướng Úc - Tony Abbott đã bị hạ bệ nhanh chóng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cú thất bại tồi tệ trên con đường chính trị của ông Tony Abbott?
Cựu Thủ tướng Tony Abbott

Thế giới choáng váng trước cơn địa chấn trên chính trường Úc. Khi mà sáng 14/9, ông Tony Abbott khẳng định việc vị trí lãnh đạo của mình lâm nguy chỉ là “tin đồn” thì vào tối 14/9, ông trở thành cựu thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu nhanh để bầu lãnh đạo Đảng Tự do cầm quyền.

Ở quốc hội Úc hiện tại, người lãnh đạo Đảng Tự do chiếm đa số trong liên minh cầm quyền Tự do - Dân chủ sẽ trở thành thủ tướng. 

Theo kết quả bỏ phiếu, cựu Bộ trưởng Truyền thông Malcolm Tumbull giành được 54 phiếu, còn ông Abbott chỉ được 44. Như vậy, ông Tumbull sắp trở thành thủ tướng thứ 5 của Úc chỉ trong vòng 8 năm qua.  

Bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu chóng vánh

Ông Tony Abbott (trái) và ông Malcolm Turnbull. Ảnh:ABC New

Ngày 14/9, đảng Tự do cầm quyền ở Australia tổ chức bỏ phiếu kín về chức vụ chủ tịch đảng sau khi ông Malcolm Turnbull thách thức đương kim chủ tịch cũng là Thủ tướng Australia Tony Abbott. 

Ngay sau cuộc tranh luận được phát trên truyền hình ngày 14/9, ông Turnbull đã gặp Thủ tướng Abbott và yêu cầu ông triệu tập cuộc họp để chọn người lãnh đạo. Đây được xem là “lời thách đấu” của Turnbull, Guardian đưa tin.

Theo giới phân tích, Đảng Tự do “thay tướng” lần này nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào giữa tháng 1/2017 bởi ông Abbott gặp nhiều chỉ trích trong việc ứng phó với các vấn đề an ninh, biến đổi khí hậu, phản đối hôn nhân đồng tính…

Thêm vào đó, theo báo The New York Times, tăng trưởng kinh tế Úc lùi về mức 2%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn (3,25%), còn giá khoáng sản và năng lượng xuất khẩu giảm mạnh. Trước nguy cơ Úc rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau 24 năm, tỉ lệ người dân không hài lòng với ông Abbott tăng lên mức 63% trong cuộc thăm dò mới nhất của hãng Newspoll.

Ông Turnbull tuyên bố đương kim thủ tướng không có năng lực lãnh đạo nền kinh tế và kêu gọi các đồng nghiệp ủng hộ “phong cách lãnh đạo mới tôn trọng trí tuệ của nhân dân” thay vì đưa ra khẩu hiệu.

Turnbull còn cảnh báo nếu ông Abbott tiếp tục đảm trách cương vị thủ tướng, mọi người sẽ thấy rõ “hậu quả” và Bill Shorten, lãnh đạo Công đảng đối lập, sẽ trở thành thủ tướng Australia trong cuộc bầu cử năm 2016.

Thực tế trong thời gian gần đây, đảng Tự do và chính quyền Thủ tướng Abbott thường xuyên tỏ ra yếu thế trước đối thủ chính trị lớn nhất là Công đảng. 

Ngoài ra, ông Tony Abbott còn bị cáo buộc không thực hiện nhiều lời hứa như tạo điều kiện cho phụ nữ vào chính quyền, ủng hộ hôn nhân đồng tính hay không cắt giảm biên chế đài truyền hình quốc gia. Ông còn cứng nhắc trong vấn đề người di cư và chưa quan tâm đúng mức tới biến đổi khí hậu.

Trước khi thách đấu, Turnbull đã từ chức bộ trưởng Truyền thông trong nội các của Thủ tướng Abbott. Ông Turnbull cho rằng mình là người thích hợp nhất để dẫn dắt Australia trong thời điểm nền kinh tế đang có những thay đổi lớn. Ông Turnbull khẳng định tiếp tục duy trì các chính sách về khí hậu hiện nay và trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính.

Thủ tướng Abbott chấp thuận “lời thách đấu” của chính trị gia Turnbull vì cho rằng cuộc bỏ phiếu cần thiết để chính phủ Australia “mạnh mẽ và ổn định hơn". Ông Abbott cũng khẳng định chức danh thủ tướng không phải phần thưởng hay món đồ chơi để giành lấy.

“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng cuộc bỏ phiếu sẽ giúp đảng của tôi, chính phủ của chúng ta tốt hơn và đất nước ngày càng vững mạnh”, Thủ tướng Abbott tuyên bố trước cuộc bỏ phiếu tối 14/9.

Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu kéo dài 30 phút cho thấy Thủ tướng Australia Tony Abbott bị đối thủ Malcolm Turnbull đánh bại. 

Ông Tony Abbott lên tiếng

Ông Tony Abbott. Ảnh: News

Cựu thủ tướng Úc Tony Abbott cuối cùng cũng có bài phát biểu hôm 15/9 sau nhiều giờ im hơi lặng tiếng sau đêm tồi tệ nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.

Phát biểu trước truyền thông tại sân trong văn phòng thủ tướng, ông Tony Abbott khẳng định: “Đây không phải ngày dễ dàng đối với nhiều người trong tòa nhà này. Thay đổi lãnh đạo chưa bao giờ là điều dễ dàng với đất nước này. Lời cam kết của tôi hôm nay là làm cho sự thay đổi này dễ dàng nhất có thể. Sẽ không có chuyện phá phách, không công kích…"

Hẳn là chẳng dễ chịu gì sau thất bại trong cuộc thách đấu khiến ông Tony Abbott mất vị trí lãnh đạo đảng Tự do hôm 14/9. Tuy nhiên, vị chính trị gia thất thế vẫn khiến nhiều người lo lắng vì không biết tại sao ông lại im lặng quá lâu như vậy, tổng cộng hơn 14 giờ bị “hạ bệ”.

Tân Thủ tướng tuyên thệ nhậm chức

Theo phóng viên tại Sydney, sau cuộc bỏ phiếu tối 14/9 đưa cựu Bộ trưởng Truyền thông Malcolm Turnbull lên làm Chủ tịch Đảng Tự do cầm quyền thay Thủ tướng Tony Abbott, sáng 15/9, ông Abbott đã chính thức từ chức trước Toàn quyền Peter Cosgrove và ông Malcolm Turnbull đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành thủ tướng thứ 29 của Australia và là thủ tướng thứ tư trong 5 năm qua ở nước này.

Tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh TTXVN

Phát biểu với các nhà báo, tân Thủ tướng Turnbull cho biết ông sẽ vẫn duy trì một "nội các truyền thống" nhằm đảm bảo mọi quyết định đưa ra đều có sự nhất trí của đa số thành viên.

Ông Turnbull, cựu luật sư và cũng là một nhà tỷ phú, cho biết ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là tập trung thúc đẩy kinh tế với cam kết "thổi luồng gió mới" vào nền kinh tế Australia đang có dấu hiệu giảm sút, duy trì quan điểm của Australia trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ông Turnbull khẳng định sẽ không kêu gọi bầu cử trước thời hạn nhằm tận dụng lợi thế hay để củng cố quyền lực khi tuyên bố Quốc hội hiện hành sẽ hoạt động hết nhiệm kỳ, có nghĩa là tới cuộc tổng tuyển cử theo dự kiến vào tháng 9/2016.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Turnbull cũng tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên và dự kiến có sự cải tổ nhỏ trong chính phủ. Hiện có những đồn đoán rằng Bộ trưởng Giáo dục Christopher Pyne sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong khi đó Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội Scott Morrison có thể sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngân khố thay ông Joe Hockey, người chịu nhiều chỉ trích trong đảng do các vấn đề liên quan đến ngân sách.

Malcolm Turnbull từng là luật sư, doanh nhân thành đạt và cũng là một trong những người giàu nhất Australia. Ông từng nhiều lần nằm trong danh sách 200 người giàu nhất do Tuần báo Business Review bình chọn. Năm 2004, ông được bầu làm thị trưởng Wentworth, vùng đất nơi ông lớn lên. Vợ của Turnbull, bà Lucy Hughes, là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm thị trưởng Sydney.

Sự nghiệp chính trị của Turnbull tiếp tục thăng hoa khi ông liên tục đảm trách các chức vụ quan trọng trong nội các. Ông cũng từng là bộ trưởng các nguồn tài nguyên nước và môi trường trong chính phủ của cựu thủ tướng John Howard.
Năm 2008, ông tiếp tục được bầu làm lãnh đạo phe đối lập. Một năm sau, Turnbull thua ông Abbott trong cuộc chạy đua vị trí lãnh đạo. Vấn đề liên quan về biến đổi khí hậu và môi trường là lý do khiến ông thất bại.

Trong vai trò bộ trưởng Truyền thông dưới thời Thủ tướng Abbott, ông Turnbull giành được nhiều sự ủng hộ từ người dân và nội bộ đảng Tự do. Ông cũng là nhà hùng biện xuất sắc và thường xuyên giành lợi thế trong các cuộc tranh luận.