Thời điểm 8h30 sáng nay, 20/8, tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 36,54 – 36,58 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 30.000 đồng mỗi lượng so với giá cuối ngày hôm qua.
Cùng thời điểm tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,48 – 36,6 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 30.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Trên thế giới, giá vàng bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức 1.296 USD/oz, giảm 3 USD/oz so với giá cuối thời điểm ngày hôm qua.
Như vậy, giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới 3,4 triệu đồng mỗi lượng (quy đổi theo tỷ giá liên ngân hàng).
Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm phiên thứ 2. Ngân hàng Vietcombank hiện niêm yết ở mức 21.175 – 21.225 đồng/USD (mua – bán), giảm 5 đồng mỗi USD so với tỷ giá cùng thời điểm ngày hôm qua.
Theo giới phân tích, vàng giảm do USD và chứng khoán cùng tăng. USD đã tăng tăng 0,4% so với các tiền tệ lớn trên thế giới, sau khi số liệu vừa công bố cho thấy số nhà xây mới đã tăng mạnh trong tháng 7 (sau 2 tháng đi xuống). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ cũng nhích lên trong tháng qua.
Chứng khoán Mỹ hôm qua cũng gần phá kỷ lục khi S&P 500 tăng mạnh nhất 6 tháng, Nasdaq lên cao nhất từ năm 2000 và Dow Jones gần chạm mốc cao nhất mọi thời đại tại 16.919 điểm.
Đồng thời, sức mua vàng yếu tại thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ buộc giá vàng phải giảm.
Căng thẳng chính trị tại Ukraine, Iraq dù có một số diễn biến đáng chú ý gây lo ngại, tuy nhiên nó vẫn chưa đủ sức kéo nhà đầu tư quay lại với vàng.
Dù vậy, giá hôm qua cũng được hỗ trợ phần nào bởi tin tức dự trữ tại SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, tăng 2 tấn vàng lên 797,7 tấn hôm thứ Hai. Đây là phiên mua vào đầu tiên của họ trong gần 4 tuần qua.
Nhà đầu tư hiện chờ cuộc họp thường niên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào ngày mai, và các quyết sách cơ quan này đưa ra.