Đổ xô bán - mua
Đã 3 ngày nay, người dân tại các thành phố lớn từ Hà Nội, TPHCM tới Đà Nẵng… sống trong không khí sôi sục về giá vàng. Nhiều người cả ngày chỉ xuýt xoa nuối tiếc hay hỉ hả khi đã ôm vàng ngay từ đầu năm lúc giá ở đáy 32,6 triệu đồng/lượng. Bởi với mức chênh so với đỉnh sáng 6/7 chốt ở ngưỡng 39,8 triệu đồng/lượng nếu bán ra, tức là mỗi “nhà đầu tư” đã kiếm lời được khoảng 5 triệu đồng/lượng vàng.
Chiều ngày 6/7, cơn sốt vàng chính thức lặp lại kịch bản của năm 2010 khi giá vàng được “thổi” lên ngưỡng 49 triệu đồng/lượng. Lần đầu tiên sau hơn 5 năm, người ta thấy lặp lại dĩ vãng. Ví như vào 14 giờ chiều 6/7 tại địa điểm 209 Xã Đàn của Tập đoàn Doji, xuất hiện người đàn ông trung tuổi đạp xe đạp đội mưa “bọc” cục tiền 800 triệu đồng rút từ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đi “ôm” 23 cây vàng với giá 38,85 triệu đồng/lượng; hay cũng trưa cùng ngày, tại cửa hàng vàng SJC phố Giang Văn Minh, một người đàn ông khác đem cả bao tải tiền đến mua vàng.
Sáng ngày 7/7, diễn biến theo chiều ngược hẳn khi người dân ùn ùn kéo nhau đến bán vàng. Tại cửa hàng vàng Phú Quý (Trần Nhân Tông, Hà Nội), khách được ưu tiên ở tầng 1 nếu mua; còn khách bán vàng phải lên tầng 2 xếp hàng dài. Len lỏi giữa đám đông, khi bắt chuyện, anh Trần Hiếu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi nghe bạn bè rủ lướt sóng vàng nên cũng mua 3 cây với giá 36,85 triệu đồng/lượng nên mấy ngày hôm nay đều nhấp nhổm chờ giá lên cao bán. Sáng nay tôi thấy giá xuống lập tức ra cửa hàng bán ngay vì sợ lỗ”.
Không may mắn như anh Hiếu, chị Bùi Trâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tất tả vào cửa hàng vàng Phú Quý bán 10 cây vàng. “Chiều qua tôi rút sổ tiết kiệm mua vàng lúc giá hơn 38 triệu đồng/lượng. Cuối ngày, giá vàng tăng lên gần 40 triệu đồng/lượng, tôi định sáng nay bán chốt lời. Ai ngờ giá giảm, bán ra chỉ còn hơn 37 triệu đồng/lượng, mất hơn 10 triệu đồng chỉ trong chưa đầy 14 giờ”, chị Trâm than. Đến cuối phiên giao dịch buổi sáng, cửa hàng vàng Phú Quý phải thông báo khách bán vàng nhận giấy hẹn trả tiền vì công ty không đủ tiền mặt.
Cửa hàng Bảo Tín Minh Châu cũng ken dày người bán vàng thay vì mua vào như hôm trước. Một nhân viên cửa hàng cho biết, lượng khách bán ra gấp 2 lần so với ngày hôm trước, trong khi người mua chỉ lẻ tẻ vài chỉ. Còn Tập đoàn vàng bạc Đá quý Doji cũng xác nhận, giao dịch ngày 7/7, người dân bán ra chiếm 70%.
Không nên mua lúc này
Chốt phiên giao dịch ngày 7/7, giá vàng SJC tiếp tục lao dốc mạnh, xuống mức 36,7-37,3 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra), tức “bốc hơi” hơn 2,6 triệu đồng so với phiên hôm trước. Tại nhiều cửa hàng, những người bán trên 2 lượng vàng không được nhận tiền ngay mà phải cầm giấy hẹn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Quốc Quýnh, Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích: Nhìn lại cơn điên loạn thị trường trong những ngày qua thấy... hoảng. Theo ông Quýnh, chính vì e ngại sự đuổi bám với giá vàng thế giới không biết đằng nào mà lần cho nên ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước cũng thận trọng giãn khoảng cách mua - bán.
Ông Quýnh dẫn chứng, như ngày 4/7, chênh lệch mua - bán 550.000 đồng/lượng. (Tức là mỗi lượng vàng vừa mua bán trao tay, bán lại cho người mua, công ty ăn lãi hơn nửa triệu đồng). Ngày 6/7: Chênh lệch mua bán tăng lên 700.000 - 800.000 đồng. Sáng 7/7: Chênh lệch mua vào - bán ra đã tăng lên 1 triệu đồng. “Mức cao kỷ lục từ trước đến nay, đủ để đảm bảo lợi nhuận cho công ty vàng và đẩy rủi ro cho người dân”, ông Quýnh lưu ý.
Theo ông Quýnh, giá vàng biến động rất thất thường. Sau khi thỏa mãn ở mức giá nào đó, giới đầu cơ sẽ bán chốt lời. Khi đó nguồn cung tăng lên, giá vàng sẽ “mềm” trở lại. “Người dân cần thận trọng, không nên đua theo giá vàng dễ rơi vào bẫy. Nếu người mua vì mục đích kinh doanh phải chấp nhận mạo hiểm, 5 ăn 5 thua, tức có thể lãi cao nhưng cũng có thể lỗ nặng.
Còn mua tích trữ lúc này là không nên, vì với tình hình giá vàng hiện nay chưa biết ra sao. Trong quá khứ, giá vàng trong nước lên tới 49 triệu đồng/lượng vào năm 2011. Thời điểm đó, người dân đổ xô đi mua vàng. Sau đó, giá vàng đã cắm đầu đi xuống dưới 30 triệu đồng/lượng khiến không ít người lỗ đau”, ông Quýnh nói.
Ông Trần Xuân Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh vàng của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Quý cũng đánh giá, biến động thị trường mấy ngày qua chỉ là nhất thời, chưa có xu hướng rõ ràng. Những thông tin đa chiều từ thị trường thế giới đã tác động đến tâm lý thị trường trong nước. Do vậy, ông Dũng đưa ra lời khuyên cho khách hàng rằng, cần hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán, tránh rủi ro không đáng có gây thiệt hại cho bản thân như giai đoạn trước đây.
Sau khi vọt tăng 40 đồng lên giá 22.380 đồng/USD vào chiều ngày 6/7, sáng ngày 7/7, giá bán USD trên thị trường đã giảm xuống chỉ còn 22.360 đồng/USD. Cùng thời điểm, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, áp dụng cho ngày 7/7 là 1 USD= 21.869 VND, tăng 3 đồng so với ngày 6/7. Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định thị trường vàng những ngày qua sốt là do tâm lý. “Chúng tôi bám sát diễn biến và thấy lượng giao dịch không hề có lệnh lớn, chỉ toàn nhỏ lẻ”, vị này nói.