Căn bệnh khiến da của ba anh em Trương Văn Đô, Trương Văn Tô và Trương Văn Phô liên tục bị đóng vảy rồi rơi lả tả, chữa trị hàng chục năm không khỏi.
Ông Trương Văn Thật - Bí thư chi bộ thôn Hữu Chung - xoa xoa hai bàn tay vào nhau, trầm ngâm khi nghe tôi hỏi chuyện về gia đình chi họ Trương Văn ấy.
Ông bảo, sống quá nửa đời người ở làng này, ông cũng đi nhiều, biết rộng, song chưa thấy gia đình nào, dòng họ nào lại mắc phải căn bệnh tai quái như thế, căn bệnh mà “mới chỉ nhìn qua, nhiều người đã vội vã tránh mặt”. Nhất là căn bệnh chỉ ứng vào ba người con trai, còn lại các con gái đều bình an vô sự thì rõ ràng “rất lạ”.
“Chẳng biết y khoa giải thích như thế nào chứ ở đây người ta cũng đồn thổi ghê lắm, người ta bảo đó là nghiệp chướng” - ông bảo.
Đương nhiên, là một cán bộ thôn, lại được giác ngộ, ông Thật chẳng đời nào đi tin vào chuyện đó. Nhưng rõ ràng, lời mào đầu của ông Bí thư chi bộ đủ sức gây tò mò với người tiếp chuyện.
Nhà ba anh em họ Trương ở gần nhau, lúp xúp giữa làng. Hiện tại, vợ chồng ông Trương Văn Đô - anh cả trong số ba anh em trai và là con thứ hai trong gia đình đang sống cùng mẹ già là cụ Đặng Thị Nhát (77 tuổi) cùng các con, cháu.
Thấy có khách, cụ Nhát lật đật vào trong nhà thay chiếc áo rồi cười bỏm bẻm: “Lâu lắm mới có khách đến chơi nhà đấy”. Còn ông Đô vội trải cái chiếu ra nền hè mời khách ngồi vì “khách đến đột xuất, vợ tôi lại đi hộ đám cưới nhà bên nên nhà cửa chưa dọn dẹp gì”.
Cái sự ngượng ngùng ấy cũng sớm qua để nhường chỗ cho những nỗi niềm gan ruột về căn bệnh tai ác. Rồi như một thước phim quay chậm, cụ Nhát kể về bệnh tình của các con mà đến giờ - đó thật sự là nỗi ám ảnh khiến gần trọn cuộc đời cụ không lúc nào nguôi ngoai.
Cụ Nhát lập gia đình với cụ ông Trương Văn Thủ từ năm 20 tuổi. Năm 1959, cô con gái đầu lòng ra đời khỏe mạnh. “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, vợ chồng cụ mừng lắm. Năm 1961, cậu con trai thứ Trương Văn Đô ra đời. Niềm vui ngắn chẳng tày gang khi chỉ vài ngày sau, trên người con còn đỏ hỏn xuất hiện những quầng đỏ đóng thành vảy rồi tự bong tróc, rơi đầy trong tã áo, “trông cứ như là gỗ cây mít” - cụ Nhát kể.
Căn bệnh khiến người Đô lúc nào cũng đỏ hỏn. Vài ba ngày, da lại tróc vảy rồi cộm lên, dày như da trâu, khi gãi thì rơi lả tả khắp nhà. Nhất là da bàn tay, bàn chân lúc nào cũng dày cộp như người ta trát lên một lớp sáp nến dày, nứt toác đến nỗi không hề còn cảm giác gì.
Bệnh nặng nhất là khi bắt đầu có gió heo may tầm tháng 8 kéo dài đến hết mùa đông, tiết trời hanh khô, da dẻ nứt toác, rỉ máu. Ruột gan người mẹ héo hon khi nhìn đứa con trai tội nghiệp phải quằn quại trong đau đớn.
Thế rồi, vợ chồng cụ Nhát khấp khởi nuôi hy vọng khi 3 năm sau, cậu con trai thứ ba Trương Văn Tô cất tiếng khóc chào đời. Nhưng trớ trêu thay, cả Tô và người em trai sau là Trương Văn Phô đều mắc chung chứng bệnh của anh Đô. May mắn và cũng kỳ lạ là 3 người con gái liền sau đó thoát được căn bệnh tai quái này. Có điều, bệnh chỉ ứng vào 3 người con trai trong gia đình khiến người ta tin rằng, gia đình cụ Nhát đang rơi vào “mạt vận” và căn bệnh ấy được ví von là căn bệnh “giời đày”.
Đi ăn cưới ngồi một mình một mâm
Căn bệnh lạ gần như tách biệt 3 anh em ra khỏi cuộc sống, sinh hoạt của thôn Hữu Chung, khi mà cứ vài ba ngày, da lại tróc vảy rồi cộm lên, dày như da trâu, khi gãi thì rơi lả tả khắp nhà. Nhất là da bàn tay, bàn chân lúc nào cũng dày cộp, nứt toác đến nỗi không hề còn cảm giác gì. Người ta nhìn 3 anh em như nhìn “quái vật”, thậm chí chẳng ai thèm bắt chuyện.
“Đến trường học, ngồi với bạn trai thì bị đánh đuổi, ngồi với bạn gái thì bị dè bỉu, xa lánh. Thế nên, 3 anh em tôi cũng sớm phải bỏ học để ở nhà” - anh cả Trương Văn Đô chua chát nói.
Đúng là trước đây, người làng có xa lánh 3 anh em Đô, Tô, Phô, nhưng bây giờ, dân làng cũng hiểu ra nên không còn kỳ thị họ như trước nữa. Kinh tế gia đình họ cũng khó khăn lắm, nhà anh Đô cũng mới thoát nghèo mấy năm nay. Còn anh Phô thì bị liệt nửa người gần 1 năm rồi. Gia đình anh Tô vẫn thuộc diện hộ nghèo. Nhìn chung, gia đình họ đều sống chan hòa với hàng xóm láng giềng, không có điều tiếng gì
Ông Trương Văn Thật
Bí thư chi bộ thôn Hữu Chung
Càng lớn, ý thức về căn bệnh, về sự xa lánh của những người xung quanh càng khiến 3 anh em trở nên lầm lì, khép kín quanh bốn bức tường nhà. “Suốt ngày, 3 anh em nó chỉ lủi thủi ở nhà, học không quá lớp 5. Có lần, người ta còn bảo tôi rằng: “Con cái đã như thế thì đừng có để ra ngoài đường, đóng cửa nhốt chúng lại chứ ra đường mà dọa thiên hạ à? Tôi như đứt từng khúc ruột” - cụ Nhát nghẹn ngào.
Anh Trương Văn Tô tiếp thêm câu chuyện về cái sự tự ti của mình: “Có lần, tôi đi ăn cỗ cưới một người bạn. Khi tôi ngồi vào mâm thì những người ở đó đều đứng lên đi hết, còn trơ lại một mình tôi. Nghĩ mà tủi nhục lắm!”.
Đi tìm lời giải
Người ta bảo, có bệnh thì vái tứ phương. Cụ Nhát cũng không ngoại lệ. Cứ nghe ai mách ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi, cụ lại tìm đến những mong cứu các con ra khỏi kiếp “giời đày”. Thế nhưng, gia sản trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi mà bệnh tình của các con không có dấu hiệu thuyên giảm, nỗi lòng cha mẹ càng rối như tơ vò.
Đoạn, cụ thật thà kể lại: “Nước đường cùng, tôi thử đi xem bói những mong tìm được cách cứu con, thôi thì ít ra tâm mình cũng thanh thản phần nào. Đi xem, thầy nào cũng phán trong nhà có mộ cụ tổ chôn bằng gỗ mít, thế nên bây giờ các con trai mới bị “nghiệp chướng”.
Nén tiếng thở dài, cụ Nhát tiếp lời: Thế nhưng, cúng bái mãi mà bệnh tình của các con cũng không khỏi. Vậy là, hy vọng cứu được các con khỏi căn bệnh lạ “cả vùng không thấy ai mắc” cũng tắt ngấm.
Mãi sau này, khi kinh tế gia đình khá hơn, ba anh em anh Đô mới có điều kiện xuống Hà Nội thăm khám. Kết quả, họ đều bị vảy cá đỏ toàn thân - một chứng bệnh khá hiếm gặp.
“Hằng năm, từ sau Tết đến chừng cuối tháng 3 âm lịch thì chúng tôi còn được ở nhà vì thời gian này, tiết trời mát, ẩm nên căn bệnh đỡ hơn. Nhưng từ tháng 4 trở đi, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng cuối năm, tiết trời hanh khô thì thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, có khi nằm viện cả tháng trời. Thuốc thì phải uống quanh năm nhưng bệnh tình cũng chẳng thuyên giảm là mấy. Hằng năm, cứ vào mùa gặt và Tết, chủ nợ lại đến đòi. Có lần, lúc vừa gặt từ ngoài đồng về đã bị họ xiết mang đi, quanh năm thiếu ăn cô ạ” - anh Tô bộc bạch.
Hiện, anh Tô cũng là người bị nặng nhất trong số 3 anh em. Căn bệnh đã “ăn” cả vào mắt anh, khiến mí mắt luôn trong tình trạng đỏ hoe vì da lột.
“Cởi trói”
Đến tuổi trưởng thành, trong khi bạn bè cùng trang lứa đều lần lượt lập gia đình thì 3 anh em nhà họ Trương vẫn âm thầm lẻ bóng vì sự tự ti của mình. Nhưng rồi, chính người anh cả Trương Văn Đô đã tự “cởi trói” cho mình. Anh đã mạnh dạn ra ngoài đường, bắt chuyện hàng xóm láng giềng.
Ban đầu, người làng còn e dè, nghi ngại, xa lánh. Nhưng rồi, như “mưa dầm thấm lâu”, họ cũng nhận ra tấm chân tình của anh mà đáp lại, nhìn anh với ánh mắt cảm thông hơn. Hạnh phúc đã mỉm cười với anh Đô khi một cô gái làng bên vì cảm thương cho hoàn cảnh của anh mà gật đầu về làm vợ.
Sau đó, hai người em trai cũng lần lượt nên duyên. Hiện giờ, cả ba đều đã có gia đình êm ấm. Riêng anh Đô và Phô đều đã lên chức ông nội, ông ngoại. Còn anh Tô kém may mắn hơn khi qua hai đời vợ nhưng chưa một lần người đàn ông ấy được nghe tiếng khóc trẻ thơ trong nhà mình. Bởi cả ba lần vợ anh mang thai đều bị hỏng. “Có lẽ do căn bệnh của tôi nặng quá, “ám” luôn vào các con” - anh Tô thở dài.
Ngót một năm nay, người em út Trương Văn Phô phải nằm liệt giường vì biến chứng của căn bệnh. “Chú ấy bị phát bệnh nặng quá, chẳng hiểu sao tiêm thuốc xong thì hai chân dần không đi lại bình thường được nữa. Bây giờ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến vợ và các con” - anh Đô kể.
Dẫu sao, niềm an ủi với đại gia đình nhà họ Trương ấy là các con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại của nhà anh Đô, anh Phô may mắn không mắc phải căn bệnh tai quái này. Thế nhưng, những người cha, người ông ấy vẫn đau đáu nỗi lo vì hiện họ mới chỉ có các cháu gái. “Chỉ mong các con có sinh con trai thì sẽ bình an như bố chúng, đừng mắc bệnh như các ông của mình” - anh Đô mong muốn.
Thế nhưng, đáng buồn thay, một cháu trai của dòng họ năm nay lên 8 tuổi cũng vừa mắc phải căn bệnh y như các chú của mình. “Chỉ mong y học hiện đại có thể can thiệp sớm căn bệnh của cháu, để sau này cháu đỡ khổ như chúng tôi. Nhưng có vẻ sẽ tốn kém lắm!” - anh Đô chép miệng bảo.
Nỗi lo về căn bệnh tai ác đối với gia tộc Trương Văn vẫn còn đó!
Theo An Nhiên
Lao Động