Gia tăng trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết

TPO - Ngày 1/8, TS.Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết, lượng bệnh nhi bị sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng, có đêm khoa Cấp cứu tiếp nhân 6 trẻ bị SXH.
Bác sĩ BV E khám cho trẻ bị SXH.

Hiện tại khoa Nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị SXH với nhiều bệnh nhân có biến chứng nặng. Trong đó, có một bệnh nhân nhi (7 tuổi, ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc SXH nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi. Tuy nhiên, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng. Các bác sĩ túc trực bên bệnh nhi theo dõi sát sao 24/24h, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Đến ngày thứ 8, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ được và cắt sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường.

Bác sĩ Hiền khuyến cáo, bệnh SXH sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy người lớn phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc SXH nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.

Nhằm hỗ trợ bệnh nhân nhi được tốt nhất, hiện khoa có 40 giường bệnh điều trị với đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu hiện đại như máy thở, oxy và khí nén áp lực, các máy theo dõi monitoring, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, siêu âm, điện tâm đồ… cùng với đội ngũ bác sĩ là những bác sĩ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cao hằng ngày chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhi.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện nhi T.Ư cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay số trẻ đến khám SXH tăng cao gần 10 lần với 185 trẻ. Trong đó hiện có 28 bệnh nhi điều trị nội trú. Đáng chú ý, 5 bệnh nhi trong số này có dấu hiệu cảnh báo vì đã bị biến chứng.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh SXH

Bác sĩ cho biết sau khi bị muỗi đốt từ 7-10 ngày, bắt đầu có biểu hiện bệnh. Khởi đầu, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, đau mỏi người, đau khớp, tiếp theo là biểu hiện sốt. Nhiệt độ thường tăng nhanh lên 39-40 độ C, kèm theo có các biểu hiện đau đầu vùng trán hoặc sau hố mắt, chán ăn, nôn, buồn nôn và đầy bụng, đau bụng vùng thượng vị và vùng hạ sườn phải. Ở trẻ em có thể có co giật khi sốt cao. Biểu hiện sốt liên tục, kéo dài khoảng 2-7 ngày. Một số người bệnh có biểu hiện sốt 2 pha (sốt 1-2 ngày đầu rồi hết sốt trong ngày 3-4, sau đó sốt trở lại ngày thứ 5-6).

Sau khi sốt 2-3 ngày, trên da toàn thân người bệnh có biểu hiện sung huyết và phát ban dát đỏ (khi căng da mất ban), hoặc có ban xuất huyết dưới dạng chấm, nốt (căng da không mất ban), chảy máu cam. Nặng hơn là các mảng bầm tím trên da hoặc xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện nôn và đi ngoài ra máu.

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của sốt, ở một số người bệnh có thể có diễn biến bệnh nặng hơn do biến chứng của bệnh, với các biểu hiện ban đầu là bứt rứt, khó chịu, nhiệt độ giảm đột ngột; đau bụng từng cơn có xu hướng tăng; nôn nhiều hơn; lượng nước tiểu giảm và người bệnh trở nên lừ đừ. Đây là trình trạng chuẩn bị có sốc do mất khối lượng tuần hoàn, cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Nếu không được phát hiện và truyền dịch thích hợp, người bệnh sẽ đi vào tình trạng sốc với các biểu hiện da và đầu các chi lạnh, tím tái, mạch quay nhanh nhỏ, khó bắt, thậm chí đi vào tình trạng hôn mê và tử vong. Sau sốt 5-7 ngày, nói chung bệnh có xu hướng thuyên giảm với các biểu hiện như nhiệt độ giảm dần, có biểu hiện ra mồ hôi, toàn trạng khá lên, người bệnh tỉnh táo hơn, bắt đầu ăn ngon miệng và sinh hoạt bình thường. Khi nghi ngờ mắc SXH, cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám và làm xét nghiệm theo dõi.