Gia tăng nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền
> Những bài thuốc cực hay trị tiểu đường
> 'Bùng nổ' thực phẩm chức năng
TPO - Nhu cầu về dược liệu cũng như thuốc từ dược liệu (thuốc y học cổ truyền và thuốc hoạt chất được chiết xuất từ dược liệu) có xu hướng ngày càng tăng, nhất là ở các quốc gia đang phát triển.
Bên cạnh đó xu thế trên thế giới con người thích sử dụng các loại thuốc chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe có nguồn gốc từ thảo dược hơn là sử dụng thuốc tân dược vì nó ít độc hại hơn và ít tác dụng phụ hơn. Hơn nữa hiện còn nhiều triệu chứng và bệnh hiểm nghèo chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị, người ta hi vọng rằng từ nguồn động thực vật tự nhiên hoặc từ vốn trí tuệ bản địa của các cộng đồng, qua nghiên cứu sàng lọc có thể cung cấp cho nhân loại những hợp chất có hoạt tính sinh học cao để làm ra các loại thuốc mới có hiệu quả chữa bệnh như mong muốn. Xu thế nghiên cứu sàng lọc cây thuốc hiện cũng được chú trọng ở nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực như dược liệu, công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm ...
Theo thống kê hiện nay tỷ lệ số người sử dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh ngày càng tăng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Các nước Châu phi, ...Ở Trung Quốc chi phí cho sử dụng y học cổ truyền khoảng 10 tỷ USD, chiếm 40% tổng chi phí cho y tế, Nhật Bản khoảng 1,5 tỷ USD, Hàn Quốc khoảng trên 500 triệu USD.
Theo thống kê của WHO, những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất đã có hướng đi mới là sản xuất các thuốc bổ trợ, các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương liệu…nhằm tránh sự quản lý chặt chẽ của các quy chế quản lý thuốc và làm tăng đáng kể doanh số của thị trường dược liệu thế giới. Nếu thuốc chỉ dùng cho người bệnh thì các thực phẩm chức năng lại dùng cho tất cả mọi người, giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, tăng tính thích nghi, chống stress và phòng bệnh.
Chính vì vậy, sản xuất dược liệu đã và đang mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc.
Thái Hà