Kêu trời
Ông Trần Văn Be, 63 tuổi, ở ấp Trường Thọ 1, xã Trường Xuân (Thới Lai, TP Cần Thơ) có 5 ha lúa IR50404, cho biết khoảng 10 ngày trước thương lái đặt cọc mua lúa tươi tại ruộng giá 4.600 đ/kg.
“Ngày 9/3, tôi thu hoạch 2 ha, thương lái không đến mua đành bán cho người khác giá 4.200 đ/kg. Hiện giờ còn 3 ha, dự kiến ngày 17/3 thu hoạch. So với tiền đặt cọc, giá lúa hiện nay đã làm tôi mất gần 20 triệu đồng. Nếu mấy ngày tới giá còn giảm thì còn mất nữa”, ông than thở.
Cũng ở xã Trường Xuân, ông Trương Văn Nhân, 43 tuổi, đang thu hoạch 6 ha lúa Jasmine, chở lúa từ ngoài ruộng vào, buồn bã nói: “Thương lái đặt cọc 5.000 đ/kg hồi tuần trước, nay thu hoạch họ kêu giảm khoảng 300 đ/kg mới mua, nếu không giảm thì bỏ tiền cọc, không mua nữa. Không bán lấy tiền đâu trả nợ, còn đầu tư lại vụ mới. Hơn nữa, giữ lại thì rồi có bán được không?”, ông Nhân than.
Dưới tỉnh Hậu Giang, trong ngày 12/3, ông Dương Văn Tòng, 61 tuổi, ở ấp Trường Khánh 2, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp) thu hoạch 0,7 ha lúa IR50404, được hơn 6 tấn, cũng kêu trời vì thương lái bỏ tiền cọc. Ông kể, tuần trước thương lái đặt cọc 1 triệu đồng mua lúa tươi, tại ruộng với giá 4.600 đ/kg, “giờ suốt ra chẳng thấy ai tới, gọi điện thoại không được”.
Ông Lữ Văn Năm, 67 tuổi, ở ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân (Thới Lai, Cần Thơ), trồng lúa hơn 20 năm, năm nay có 9 ha Jasmine. Ông cho biết, ngày 7/3, thương lái đặt cọc 10 triệu với giá 4.900 đ/kg, đến ngày 16/3 mới thu hoạch dự kiến hơn 80 tấn lúa. Ông lo lắng: “Giá lúa đang giảm không biết họ có mua hay không, chỉ cần giảm 200 đ/kg so với giá đặt cọc là thương lái bỏ không mua liền”. Ông Năm than thở, cán bộ khuyến cáo trồng lúa Jasmine nhưng làm ra bấp bênh còn hơn lúa IR50404 vì thời gian dài, chi phí cao trong khi năng suất thấp hơn IR50404.
Vì sao bỏ cọc?
Ông Lữ Văn Năm ở xã Trường Xuân còn là chủ máy gặt đập liên hợp. Ông kể: “Khi lúa không bán được thì ngày gặt lại phụ thuộc vào chủ ghe vì có bán được nông dân mới gặt, có khi phải đợi đến mấy ngày so với hẹn ban đầu.
Gặt một ngày nghỉ vài ba ngày chờ chủ ghe kêu nên từ đầu vụ đến giờ tôi chỉ làm được chưa đầy 20 ha mà đã gần hết vụ trong khi năm rồi gặt được hơn 70 ha. Hơn nữa, có khi máy lên gần tới ruộng để gặt, chủ ghe gọi điện dời ngày lại vì chưa có ghe tới, đành quay về, tốn thêm chi phí cơm nước, thuê nhân công”.
Theo nhiều thương lái, họ buộc phải bỏ cọc cũng vì tác động khách quan từ giá lúa đang giảm mạnh. Ông Dương Văn Hai, thương lái ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai (Thới Lai, Cần Thơ), có gần 15 năm mua lúa, cho biết: “Chưa năm nào giá cả biến động mạnh như năm nay, mới 2 tuần mà giá gạo giảm gần 1.000 đ/kg. Trong khi muốn mua được lúa, tôi phải đặt cọc với nông dân, chậm trễ người khác mua hết. Tôi đặt cọc 10 triệu đồng, nếu mua theo giá đặt cọc thì lỗ gấp đôi, nếu bỏ đi thì chỉ mất tiền cọc nên bỏ luôn”.Còn thương lái Lê Văn Mỹ ở xã Trường Xuân (Thới Lai) cho biết, mua lúa IR50404 của nông dân với giá 4.600 đ/kg, đem phơi khô, xay xát bán gạo cho Cty lương thực với giá 6.800 đ/kg thì 1 tấn lỗ 300.000 đồng. Theo ông Mỹ, từ sau tết, ông mua lúa ở Kiên Giang về bán 2 chuyến đầu có lời.
Đến đầu tháng 3/2014, Cty lương thực cho tăng lên 200 đ/kg gạo nên nhiều thương lái ùn ùn tranh nhau đặt cọc với nông dân, không ngờ giá sau đó giảm mạnh nên hầu như ai cũng lỗ. Hơn nữa, doanh nghiệp chưa có hợp đồng xuất khẩu mới nên cũng hạn chế mua.
Ông Phạm Phước Tế, cán bộ khuyến nông xã Trường Xuân, cho biết toàn xã có 2.234 ha lúa, khoảng 80% trồng giống Jasmine, đã thu hoạch được 50% với năng suất 7,6 tấn/ha. Mấy ngày nay giá lúa giảm mạnh nên có đến gần 90% nông dân bị thương lái bỏ tiền cọc mua lúa.