Gia Lai trình phương án sáp nhập thêm một sở so với Trung ương

TPO - “So với Trung ương, Gia Lai sẽ trình đề án sáp nhập thêm một sở là chuyển Sở Ngoại vụ về Văn phòng UBND tỉnh”, một lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai thông tin.

Gia Lai là địa phương có diện tích lớn thứ hai cả nước (sau Nghệ An)

Ngày 29/12, một lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đã xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền về việc sắp xếp, sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh.

“So với Trung ương, Gia Lai sẽ trình đề án sáp nhập thêm một sở là chuyển Sở Ngoại vụ về Văn phòng UBND tỉnh”, một lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai thông tin.

Trong khi đó, vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan đơn vị cụ thể hóa một số định hướng của Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cũng đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan rà soát và đã báo cáo xin chủ trương cấp thẩm quyền việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; sáp nhập, hợp nhất một số sở, ngành tương ứng với phương án sắp xếp của Chính phủ (giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong các sở, ngành).

Theo đó, cơ bản kết thúc mô hình chi cục thuộc sở (trừ trường hợp cần thiết). Đối với các chi cục được tiếp tục duy trì thì sắp xếp tinh gọn tối đa bộ máy bên trong để thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành, không bố trí bộ phận làm công tác văn phòng, quản trị nội bộ, tổng hợp riêng.

Gia Lai dự kiến về kết quả đạt được sau khi sắp xếp theo nguyên tắc, định hướng nêu trên sẽ giảm 6 sở, ngành, thu gọn còn 13 sở, ngành; Sở Xây dựng sáp nhập với Sở GTVT, Sở KH&ĐT sáp nhập với Sở Tài chính,Sở TN&MT sáp nhập với Sở NN&PTNT, Sở TT&TT sáp nhập với Sở KH&CN, kết thúc hoạt động của Sở LĐ-TB&XH (chuyển nhiệm vụ về các sở tương ứng), Sở Ngoại vụ sáp nhập với Văn phòng UBND tỉnh.

Từ đó, Gia Lai sẽ giảm 21 phòng thuộc sở, thu gọn còn 80 phòng thuộc sở; giảm 8 chi cục (tăng 1 chi cục khi tiếp nhận từ bộ, ngành Trung ương chuyển về), còn 4 chi cục; giảm 30 phòng thuộc chi cục, thu gọn còn 24 phòng thuộc chi cục; thu gọn còn 104 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 29 đơn vị; tuy nhiên, có 17 Trung tâm Y tế cấp huyện giảm cục bộ ở Sở Y tế nhưng tăng ở cấp huyện do chuyển giao nhiệm vụ quản lý).

Cơ bản kết thúc hoạt động các tổ chức phối hợp liên ngành (ban, ban chỉ đạo, ban đại diện, ban công tác, tổ công tác…), chỉ giữ lại các tổ chức phối hợp liên ngành là các hội đồng cần thiết duy trì hoạt động để xem xét, đánh giá, thẩm định, quyết định các vấn đề quan trọng theo quy định.

Sáp nhập, hợp nhất một số hội phù hợp với việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và sắp xếp các hội có tính chất hoạt động tương đồng; không đảm bảo tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật; có xu hướng giảm quy mô tổ chức do nguyên nhân khách quan nhằm mục đích tinh gọn tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đối với cơ quan chuyên môn cấp huyện, dự kiến kết quả sau khi sắp xếp theo định hướng sẽ giảm được tối thiểu 34 phòng, thu gọn còn 168 phòng (hiện trạng có 202 phòng).

Trong quá trình xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phương án sắp xếp, các cơ quan tiếp tục duy trì hoạt động cho đến khi có quyết định cụ thể của cấp thẩm quyền.

Kết quả thực hiện giải quyết chính sách tinh giản biên chế từ ngày 1/1/2022 đến 20/12/2024 của khối chính quyền tỉnh gồm 351 đối tượng (trong đó, cấp tỉnh có 61 người; cấp huyện 265 người; cấp xã 25 người).

Thông tin từ Tỉnh uỷ Gia Lai cho biết, ngoài việc sáp nhập các sở nêu trên, dự kiến Gia Lai sẽ sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Ngoài ra, Sở Y tế đảm nhận thêm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cán bộ từ Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo từ việc sáp nhập Ban Dân tộc và Ban Tôn giáo, tổ chức lại các đơn vị báo chí, truyền thông tại địa phương.