Giá dầu lao dốc: Kẻ mừng, người lo

TP - Một số người theo thuyết âm mưu cho rằng, Mỹ chủ ý đánh tụt giá dầu là đòn kinh tế nhằm vào Nga và Iran- hai quốc gia phụ thuộc rất lớn vào giá dầu. 

Tỷ phú Murray Edwards, Chủ tịch Tập đoàn Tài nguyên Thiên nhiên Canada, dự báo giá dầu tiếp tục lao dốc xuống mức 40, thậm chí 30 USD/thùng. Ông cũng dự đoán mức giá này có thể chỉ duy trì trong một thời gian rất ngắn, trang tin Mỹ Business Insider đưa tin.

Ông Edwards cho rằng, giá dầu sẽ duy trì ở mức khoảng 70-75 USD/thùng trong một thời gian cho tới khi khôi phục lại trạng thái cân bằng hơn. Báo Anh

Daily Mail ngày 2/12 đưa tin, giá dầu hôm qua rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua trong lúc có nhiều lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Dầu đã rớt giá xuống 67,53 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009, giảm khoảng 40% kể từ mức giá 115 USD/thùng hồi tháng 6/2014. Giá dầu tiếp tục lao dốc sau quyết định không cắt giảm sản lượng của OPEC.


Nhà kinh tế Julian Jessop thuộc hãng nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) nhận định, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể tăng 0,5-1% nhờ giá dầu giảm. Giá dầu xuống thấp là tin tốt cho ngành giao thông, giúp kéo lạm phát và giá nhiều loại hàng hóa xuống mức thấp, song lại khiến các nước có nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ như Nga, Iran, Venezuela, Nigeria… gặp nhiều khó khăn. Doanh thu xuất khẩu dầu của Iran đã giảm khoảng 30% trong khi nước này cần đạt tới mức giá kỷ lục 143 USD/thùng để có thể giữ ngân sách ổn định. 

Giá dầu thấp càng khiến nền kinh tế Nga đang phải gồng mình đối phó biện pháp trừng phạt của phương Tây thêm căng thẳng. Mọi biến động dù nhỏ của giá dầu thô đều trực tiếp ảnh hưởng kinh tế Nga vì năng lượng chiếm 70% tỷ trọng xuất khẩu và đóng góp một nửa ngân sách. Đồng rúp của Nga đã mất giá kỷ lục so với đồng đô la Mỹ kể từ năm 1998. Cả Daily Mail và tạp chí Mỹ National Interest hôm qua đều nhận định, hiện tượng dầu rớt giá kỷ lục bắt nguồn từ việc bùng nổ khai thác năng lượng đá phiến của Mỹ trong khi nhu cầu khắp thế giới yếu đi.

Công nghệ tiên tiến cho phép Mỹ khai thác sản lượng dầu đá phiến tăng 60% trong vòng ba năm qua, trong khi lượng dầu thô nhập khẩu của nước này giảm ba lần kể từ năm 2007. Mỹ đang chào mời châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mua khí đốt hóa lỏng thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga và Trung Đông. 

Điều đó lý giải tại sao trước kia giá dầu tăng vọt mỗi khi thế giới xảy ra xung đột hay chiến tranh cục bộ, nhưng hiện nay bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine hay sự nổi lên của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông, dầu vẫn liên tục sụt giá không phanh. Một số người theo thuyết âm mưu cho rằng, Mỹ chủ ý đánh tụt giá dầu là đòn kinh tế nhằm vào Nga và Iran- hai quốc gia phụ thuộc rất lớn vào giá dầu. Một cách lý giải khác về việc OPEC quyết không chịu cắt giảm sản lượng khiến giá dầu rớt thảm là do nguy cơ tổ chức này mất thị phần trước cuộc cách mạng khí đốt và dầu đá phiến của Mỹ.

Chuyên gia Adam Longson tại ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) nhận định, giá dầu thấp về dài hạn gây nguy cơ đối với kinh tế thế giới. Nó không chỉ gây hậu quả lớn với các nước có nguồn thu phụ thuộc vào dầu mỏ. Nếu các nhà sản xuất không thể trông cậy vào OPEC duy trì giá dầu ổn định ở mức phù hợp, việc đầu tư vào các dự án khai thác dầu trở nên rủi ro và tốn kém hơn. Nếu mức giá thấp hiện nay buộc nhiều nhà sản xuất không có lãi phải bỏ cuộc trong những năm tới, giá dầu sẽ tăng vọt sau này.