Giả danh Hội người mù để kiếm tiền

TP- Giả danh Hội người mù thành phố Hà Nội để đi quyên góp từ thiện bằng cách bán tăm, đó là hình thức lừa đảo đang được một số nhóm đối tượng sử dụng để kiếm tiền một cách bất chính.

Gần đây tại những điểm tập trung đông người, đặc biệt là khu vực các trường đại học, cao đẳng, THPT… ở Hà Nội xuất hiện một số nhóm đối tượng giả danh Hội người mù để bán tăm tre.

Phần lớn các đối tượng này đang ở độ tuổi thanh niên, một số ít là phụ nữ ngoài 30 và đặc biệt không ai trong số họ bị… khiếm thị.

Vai đeo một chiếc túi, tay lăm lăm cuốn sổ, gặp bất cứ ai là những người này bám theo, tự giới thiệu là đại diện của Hội người mù thành phố đi bán tăm quyên góp từ thiện.

Mỗi gói tăm được trả theo lòng hảo tâm của người mua, nhưng ít nhất là phải … 10.000 đồng! Để thuyết phục người mua, các đối tượng này yêu cầu người mua viết họ tên, địa chỉ vào cuốn sổ cầm tay.

Không dừng lại ở những nơi đông người, các đối tượng này còn vào tận từng gia đình với cùng cách thức trên để quyên góp từ thiện. Không ít người cả tin đã sẵn sàng bỏ ra mấy chục nghìn mua tăm “quyên góp từ thiện”.

Ông Trần Trung Hiếu - Phó Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội cho biết: “Một số đơn vị hội cơ sở cấp quận, huyện của thành phố có cho người mù tổ chức bán hàng song trên nguyên tắc bán sản phẩm do chính người mù làm ra và chính người mù đi bán (trên sản phẩm có ghi đầy đủ nơi sản xuất, số điện thoại liên lạc) và tiếp thị một cách văn minh.

Họ được cấp giấy giới thiệu tử tế. Những đối tượng vừa nêu trên hoàn toàn không do Hội người mù chỉ đạo và thực hiện. Hội cũng không đồng tình với những hành động giả danh đó”.

Một đặc điểm dễ nhận ra những đối tượng này là trên gói tăm họ bán không hề ghi cơ sở sản xuất, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Và nhóm người này khi được hỏi đã tỏ ra lúng túng và không có gì chứng minh mình là hội viên của hội người mù.

Hành vi lừa đảo trên đã được nhiều người phát hiện nhưng đã không ít người bị lừa. Đặc biệt trong kỳ thi đại học cao đẳng vừa rồi, không ít thí sinh và phụ huynh vừa đặt chân đến Hà Nội đã nhẹ dạ trao tiền cho những kẻ “đánh cắp” lòng thương này.

Thí sinh Bùi Thu Nga từ Thanh Hóa ra tâm sự: “Lần đầu ra Hà Nội thấy họ nói vậy nên quyên góp luôn. Lúc biết bị lừa em thấy tiếc và mất lòng tin quá”. Anh Nguyễn Đức Minh - một người bị lừa cho biết: “Số tiền bị mất không lớn nhưng buồn là tình thương của mình bị lừa gạt”.

 Nguyễn Thị Hoài
(K52 Báo chí & Truyền thông ĐHKHXH&NV Hà Nội)