Xuân Bắc tất nhiên không vận áo chim cò như mọi khi, còn Anh Tú so với cái thời đóng Macbeth thì trông cứ như người khác. Xa hơn nữa, so với Vũ Như Tô, càng không liên quan. Chắc chắn anh sẽ thay Nguyễn Thế Vinh làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam vào năm sau, khi ông Vinh nghỉ hưu. Thì làm gì còn ai hơn.
“Hoa anh túc”, “Khúc thứ ba bi tráng”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Người cầm súng”, “Bay trước mùa xuân”, “Vụ án người đốt đền”, “Nghêu Sò Ốc Hến”, “Trần Thủ Độ”, “Hão”, “Vua Lia”, “Mớ đời thương”, “Khúc đoạn trường”... là những vở diễn có Phạm Bằng góp mặt ở Nhà hát Kịch Việt Nam từ 1975, sau khi ông rời Đoàn kịch Hà Nội. Đỉnh cao của Phạm Bằng vẫn là vai lý trưởng trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, đã đem lại cho ông Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1990, sau đó vở này lưu diễn Liên Xô, Mỹ..., thành công vang dội. Một niềm tự hào to lớn của Nhà hát Kịch Việt Nam và nền kịch nghệ nước nhà.
Giờ nghĩ lại, ai có thể thay Phạm Bằng đóng lý trưởng? Thì không có ai cả. Cũng như không ai hay hơn Trọng Khôi - Trương Ba, Trần Tiến - Đế Thích, Anh Dũng - con cả Trương Ba... Những diễn viên hoàn hảo của một vở kịch toàn bích. Ta không dám nói như thế về nhiều diễn viên khác của những vở kịch khác, bởi tài năng ngoài khổ luyện còn là thứ trời cho.
Năm 1995, ở tuổi 64, Phạm Bằng nhận quyết định nghỉ hưu. Ông ở lại nhà hát thêm 4 năm rồi mới nghỉ hẳn. Ông tiếp tục diễn xuất trong nhiều kịch, phim và chương trình truyền hình cho đến tận khi mắc bệnh trọng gần đây. Danh hiệu NSƯT đến với ông năm 1993. Xem ông đóng, nhất là vai lý trưởng, chỉ có thể nói: Thế mới là nghệ sĩ, kịch sĩ chứ! Ở nhà hát của Phạm Bằng bây giờ, có những NSND mà công chúng không hề biết là ai, trong giới với nhau còn không tỏ tường, còn những người tỏ tường thì không phục.
Ngọc Hiền, con gái Phạm Bằng bay từ Sài Gòn ra với bố. Thời trẻ trung xinh đẹp, chị đóng vai Quỳnh trong “Nhân danh công lý”, cùng với bạn diễn Hữu Hiền vai Hoàng Tú làm thành cặp đẹp (Tú là nhân vật phản diện). Giờ mà diễn lại “Nhân danh công lý” chắc khó xem, nhưng hồi đó, ai mà chả xem “Nhân danh công lý”. Ngọc Hiền trông giống bố, và Phạm Bằng hồi trẻ rất đẹp trai chứ không hom hem như sau này.
Nói chung, đi đám tang nghệ sĩ đôi khi rất hồi hộp. Những mỹ nam mỹ nữ, nhân tài một thuở giờ ra sao? Ai chẳng già đi, xuống cấp đi nhưng nghệ sĩ quả có được công chúng kỳ vọng hơn. Chính ra Kim Xuyến, Mai Châu lại gần như không thay đổi, và nếu có cũng theo chiều hướng “hợp lý”. Hôm kia xem “Đông Dương” - phim Pháp đoạt giải Oscar, không ngờ Lê Tiến Thọ cách đây 25 năm lại trẻ như vậy. Dù là 25 năm trước, cũng chững hơn mới phải.
Đồng Thu Hà ở đám tang Phạm Bằng trông đã có vẻ đúng tuổi, không đến nỗi làm người khác mặc cảm vì sự xinh đẹp trời phú như ngày xưa. Một Thu Hà khác, cũng NSƯT, cùng đoàn với Phạm Bằng, thì vẫn giữ được phong độ, vả chăng chị rất chịu khó thể thao (là Chủ tịch CLB Golf nữ Hà Nội). Thế Anh, Đoàn Dũng đang dự LHP Quốc tế Hà Nội cho nên kịp có mặt để đưa tiễn đồng nghiệp cùng nhà hát. Họ đều đã gần 80 và Thế Anh tất nhiên trông không còn cao lớn như ngày nào. Đức Trung thì lâu nay ít xuất hiện đến nỗi có báo chú thích tên ông là Trung Đức. Mà ngày xưa, ông cũng thuộc dàn không thể thiếu của Nhà hát Tuổi Trẻ, cũng như Lê Chức...
Trong bài “Chia tay NSƯT Anh Dũng và chuyện fan một thời” ghi ở đám tang nghệ sĩ này - cùng đoàn với Phạm Bằng, tôi từng viết “Fan một thời, đó là người càng đi đám tang nghệ sĩ càng thấy tài năng, sắc đẹp là hiếm lắm. Người làm nghề đông đấy nhưng đọng lại trong khán giả mấy chục năm, không bao nhiêu”. Và nghệ sĩ có cái tên giản dị Phạm Bằng, người Hà Nội gốc, là một người hiếm hoi đọng lại đó. Đời nghệ sĩ bảo sướng thì cũng sướng nhưng về một mặt nào đó còn khắc nghiệt hơn ối nghề, nhất là khi vớ phải loại fan nhớ dai và mắc bệnh đòi hỏi cao ở nghệ sĩ.