Ghi nhận tại 'xóm nước đen' làng miến Dương Liễu ngày giáp Tết

TPO - Càng cận tết, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng từ các hộ làm nghề tại Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội) chế biến miến từ dong, sắn...

Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội) được xem là một trong những “thủ phủ” miến phía bắc. Tuy nhiên, quy trình sản xuất gần như thủ công tại đây, đặt ra nhiều lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như mất an toàn vệ sinh thực phẩm với việc chế biến và sản xuất các sản phẩm từ dong, sắn.

Ngay từ đầu làng, mùi hôi của rác thải lâu ngày; mùi chua của bã sắn, bã đót (bã củ dong) bốc lên nồng nặc; mùi nấu tinh bột sắn, dong cùng các chất phụ gia làm miến, làm bánh kẹo bốc lên làm không phải ai cũng chịu được.

Những bể ngâm bã sắn hôi thối, bốc mùi chảy nước tại nhiều nơi.

Trong làng, chỗ nào cũng được tận dụng làm sân phơi miến. Những hộ sản xuất lớn thường có sân phơi riêng còn những nhà làm thủ công nhỏ lẻ thì sân, ngõ, đến dây phơi quần áo, hàng rào, thậm chí ven đường, xung quanh hố chôn ủ tinh bột dự trữ tại ruộng,… cũng trở thành nơi gác phên phơi miến.

Dụng cụ chế biến ngổn ngang, xưởng chế biến là những lán tôn tạm bợ và được đặt ngay sát miệng cống thải của xã.

Cống rãnh chạy dọc đường làng bốc mùi hôi thối, mủn bột đọng lại thành mảng, sủi bọt trắng đặc quánh và đầy ruồi nhặng.

Khu vườn ăn quả ngập nước thải bẩn tại Dương Liễu.

Dòng sông Đáy nơi có nguồn nước thải trực tiếp đổ ra từ làng nghề luôn trong tình trạng đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Ông Lê Trần Hồng - Trưởng thôn Hoà Hợp, xã Dương Liễu cho biết, tình trạng các hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm dân cư được diễn ra hàng chục năm nay. Vào mùa chế biến dong diềng, liên tục mỗi ngày sử dụng hàng trăm tấn đót, sắn; việc xử lý triệt để số lượng chất thải cho hệ thống kênh rạch rất khó khăn do địa phương không có kinh phí.

Củ dong, sắn được thu hoạch ồ ạt, chất thành đống to ngay từ đầu làng đến các sân bãi ở mỗi nhà dân. Nguyên liệu để ở bất cứ đâu: dưới đất, trước cửa lối ra vào. Các xe chở bã sắn, dong chảy nước hôi thối lênh láng khắp đường.

Dọc các tuyến đường, những xe chở tinh bột sau sơ chế chạy nườm nượp đến các xưởng sản xuất trong xã.

Đại đa số các hộ dân làm miến tại Dương Liễu đều sử dụng tinh bột từ các hộ trong làng chứ không tự sản xuất. Theo những nhân công sản xuất mùa vụ tại đây, bột được mua về sẽ phải rửa, ủ qua nhiều nước. Tuỳ cách thức sơ chế mà miến sẽ được tẩy rửa ra thành phẩm có màu sắc đậm nhạt khác nhau.

Ước tính, cứ 1 tấn củ dong, sắn sẽ thải ra môi trường khoảng 700 kg bã, nước thải

Quy trình sản xuất miến tại các xã Dương Liễu hầu hết đều thủ công. Cách sản xuất thủ công như trên diễn ra nhiều năm, đặt ra không ít lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Bá Hưng - Chủ tịch UBND xã Dương Liễu thừa nhận, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do nước thải làng nghề đã diễn ra trong thời gian dài, phần lớn là do sản xuất tại địa phương chủ yếu theo quy mô hộ gia đình với phương thức sản xuất thủ công.

Tuy nhiên, hiện nay chính quyền cũng đang tích cực tuyên truyền, cho người dân cam kết không xả thải ra môi trường, chuyển đổi công việc sang ngành nghề thân thiện với môi trường từ đó làm giảm bớt tác động tới chất lượng nước của dòng sông Đáy chảy qua địa bàn.