Gặp nhà du hành sống trên vũ trụ lâu nhất

TP - Nhà du hành Nga Sergei Krikaliov, người từng 6 lần bay vào vũ trụ, giữ kỷ lục về thời gian sống trên vũ trụ, vừa có cuộc giao lưu với thiếu nhi Hà Nội nhân  kỷ niệm 35 năm chuyến bay vào vũ trụ Việt - Xô.
Nhà du hành Sergei Krikaliov tặng ảnh có chữ ký của mình cho các em ở Cung Thiếu nhi Hà Nội tối 23/7

Hội trường tầng 2, Cung Thiếu nhi Hà Nội (36 Lý Thái Tổ) tối 23/7 nêm chặt người, chủ yếu là các em thiếu nhi đến để giao lưu với nhà du hành đang giữ kỷ lục thế giới. Mở đầu buổi giao lưu là bộ phim ngắn giới thiệu về sự nghiệp chinh phục vũ trụ của ông Sergei Krikaliov. Ông sinh năm 1958, từng sống tổng cộng 803 ngày trong vũ trụ. Lần đầu ông bay vào vũ trụ là năm 1988, lần thứ 6 vào năm 2005. Thời gian bay lên vũ trụ lâu nhất là 10 tháng (ở lần bay thứ hai).

Ông Krikaliov sau đó chia sẻ với thiếu nhi Hà Nội những bức ảnh ông chụp lại từ chuyến bay vào vũ trụ lần thứ 6 của mình. Có bức ảnh nhà du hành cầm trên tay vài dụng cụ cơ khí. Ông kể: “Trên vũ trụ, chúng tôi không chỉ làm việc với máy tính mà làm việc cả với cờ lê, mỏ lết nữa”. Chỉ bức ảnh nhà du hành bên cạnh một chiếc lồng nhỏ, ông bảo “đây là một thí nghiệm sinh học, xem sinh vật bị ảnh hưởng như thế nào trong môi trường vũ trụ”. Có bức ảnh chụp nhà du hành ôm một ống kính bên cửa sổ tàu vũ trụ. Ông nói: “Tôi chụp ảnh Trái đất. Mỗi lần bay quanh Trái đất của tàu vũ trụ chỉ 1,5 giờ nên việc chụp rất nhanh. Các em có biết đây là thành phố nào không, Mátxcơva đấy”. Ông Krikaliov nói ông nhớ nhất lần bay đầu tiên, mọi thứ đều rất mới mẻ, máy móc, thiết bị và cả cảm giác lơ lửng ở môi trường không trọng lực. 

Ông Krikaliov cũng trả lời nhiều câu hỏi của các em thiếu nhi. Nhà du hành chia sẻ, mỗi lần về Trái đất, ông phải mất 1-2 tuần để thích nghi với môi trường trọng lực. Để bảo đảm sức khỏe, các phi hành gia tập thể dục trên vũ trụ. “Trên đó, chúng tôi cũng có băng chạy. Tất nhiên băng chạy đó phải có đai để giữ chúng tôi yên một chỗ, nếu không chúng tôi sẽ bắn lên trần nhà”, ông hóm hỉnh nói và nhận được tràng vỗ tay của các em nhỏ.

Có em hỏi “khi bước ra khỏi tàu vũ trụ để vào vũ trụ, ông thấy thế nào?”, nhà du hành cho hay, khi bước ra ngoài, phải mặc bộ quần áo chuyên dụng nặng 120kg mà thực chất giống như một tàu vũ trụ thu nhỏ, có đầy đủ thiết bị như bộ phận cung cấp oxy, nước, thanh lọc không khí, bộ phận để giao tiếp với bên trong tàu vũ trụ và với Trái đất. “Cái khó là làm sao giữ mình chỉ được lơ lửng trong một khoảng không nhất định”, ông kể. Ông Krikaliov nói: “Sau mỗi chuyến bay, tôi lại muốn được bay tiếp”.

Có thể mang thí nghiệm của học sinh vào vũ trụ

Gần cuối buổi giao lưu, một em hỏi: “Ông có lời khuyên gì cho giới trẻ Việt Nam nếu muốn thành nhà du hành vũ trụ?”. Ông Krikaliov trả lời, trước tiên, các em phải học tốt, phải có kiến thức tốt, đó là bước đầu tiên để vào học ngành vũ trụ. “Chúng tôi đã mang một số thí nghiệm của học sinh, sinh viên vào vũ trụ để thực nghiệm. Trong số các em ngồi đây có thể ai đó sẽ trở thành nhà bác học, có sáng chế, phát minh thú vị, có ích. Những sáng chế, phát minh đó có thể mang vào vũ trụ thực hiện. Để làm được bây giờ các em hãy học tốt, tập nghiên cứu và sáng tạo đi”, phi hành gia nói.  

Nhận danh hiệu Anh hùng của Liên Xô và Nga

Ông Krikaliov từng là kỹ sư cơ khí. Sau chuyến bay đầu tiên năm 1988, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Trong chuyến bay lần thứ 2 từ tháng 5/1991 tới tháng 3/1992, khi đi ông là công dân Liên Xô, khi về là công dân Nga. Sau chuyến bay này, ông được trao danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga. Ông cũng là phi hành gia Nga đầu tiên thực hiện chuyến bay trên tàu con thoi của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ.