Anh gọi đó là giấc mơ “Kết nối non sông Việt” và giấc mơ ấy của chủ nhân hãng tàu Phú Quốc Express đã trở thành hiện thực.
Kéo đảo xa gần với đất liền
Quê Hải Phòng, sau khi tốt nghiệp đại học ngành hàng hải, Vũ Văn Khương trở thành thủy thủ. Một thời gian sau anh chuyển về công tác tại Cảng vụ Bà Rịa - Vũng Tàu và được cử ra Côn Đảo thường trú. Suốt nhiều năm đi lại giữa Côn Đảo và Vũng Tàu, Khương hiểu rất rõ đường biển này cũng như nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Anh Khương kể: “Mỗi lần từ Côn Đảo lên tỉnh, tức vào TP Vũng Tàu là một lần khó khăn. Phương tiện phổ biến với người dân khi đó là những con tàu công nghệ cũ, chạy nhanh nhất cũng phải mất 12 tiếng. Nếu biển động phải nằm bờ chờ đợi, có khi cả tháng. Còn đi máy bay phải theo đường vòng, tới TPHCM rồi đón xe đò về Vũng Tàu nên không ít nhiêu khê và chi phí đội lên nhiều lần nên nhiều người ít dám chọn cách đi này”.
Khi thành lập công ty vận tải biển, Vũ Văn Khương đã nghĩ ngay đến việc đóng một con tàu cho tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo và mở rộng hơn là những con tàu phù hợp với biển đảo Việt Nam. Anh Khương kể: “Lựa chọn một con tàu có thể chạy ra giữa biển Đông nhiều sóng gió, đảm bảo an toàn cho hành khách cũng chịu được sóng gió thường xuyên lên tới cấp 5, cấp 6 là một bài toán khó. Chúng tôi đã đi tìm hiểu nhiều loại tàu khách trên thế giới nhưng đa số đều không phù hợp. Mãi tới khi tìm thấy loại tàu 2 thân, loại tàu theo công nghệ mới có tốc độ cao, tăng độ ổn định trên sóng, đã được nhiều nước sản xuất để chở khách hay tàu du lịch. Đây đúng là con tàu mà chúng tôi đang cần cho những hành trình trên biển”.
May mắn cho anh Khương là tại Việt Nam cũng có người đang đam mê với con tàu 2 thân. Đó là kỹ sư Trần Song Hải, người từng làm cho hãng Rolls-Royce MTU (Đức) và sau đó trở thành nhà phân phối sản phẩm cho hãng này tại thị trường Việt Nam. Anh Hải cũng đang ấp ủ dự án đóng tàu 2 thân để vận chuyển khách đường thủy trên biển tại Việt Nam. Chí lớn gặp nhau, cả hai đã cùng hợp sức để tìm cách đưa công nghệ đóng tàu 2 thân về Việt Nam. Sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, cả hai đã tìm ra được công ty tại Việt Nam có đủ năng lực và kinh nghiệm để đóng con tàu theo đơn đặt hàng.
Tuy nhiên, do đặc thù địa lý biển Việt Nam là nhiệt đới gió mùa nên để đảm bảo hiệu quả sử dụng, các kỹ sư đã phải thiết kế lại con tàu theo những tiêu chuẩn riêng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và độ an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu nhưng giá thành chỉ bằng một nửa so với việc mua tàu từ nước ngoài. Chính vì thế, dù đạt chuẩn dịch vụ 5 sao nhưng giá vé của những con tàu này khá rẻ, chỉ nhỉnh hơn giá vé của những con tàu thông thường và chỉ bằng 1/3 giá vé máy bay cùng tuyến.
Ðường cao tốc trên biển Ðông
Từ những con tàu 2 thân đầu tiên có sức tải 300 hành khách để chạy tuyến ngắn Rạch Giá - Phú Quốc, dần dần Phú Quốc Express đã đặt đóng mới những con tàu có sức tải lên đến 600 hành khách, có thể vượt biển ra tới Côn Đảo. Do sử dụng công nghệ 2 thân nên con tàu có thể cắt sóng, triệt tiêu sóng cấp 5 và gió giật lên tới cấp 7, có thể đạt tốc độ trên 30 hải lý/giờ nhưng vẫn êm ái. Vì rút ngắn thời gian từ Côn Đảo về đất liền xuống còn 1/3 so với các loại tàu như trước đây nên tàu Phú Quốc Express được ví như những chuyến xe “cao tốc trên biển Đông”. Phú Quốc Express còn mở tuyến Sóc Trăng -Côn Đảo và ngược lại giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long gần hơn với Côn Đảo; đồng thời mở các tuyến Rạch Giá - Nam Du, tuyến Cà Mau -Nam Du, giúp người dân ở những vùng đất hoang vu trở thành những điểm đến mới thu hút du khách.
Những con tàu 2 thân của Phú Quốc Express đưa vào sử dụng trở thành hiện tượng của vận tải biển Việt Nam khi chứng tỏ hiệu quả cao, được du khách đánh giá rất tốt đồng thời đạt nhiều kỷ lục Việt Nam như: Tàu cao tốc 2 thân chở khách lớn nhất Việt Nam, tàu cao tốc hiện đại nhất do Việt Nam thiết kế… Nhưng giấc mơ của cựu thủy thủ Vũ Văn Khương không dừng lại ở đó. Anh đang cùng với những đồng sự tiếp tục với kế hoạch đóng con tàu 2 thân lớn hơn, có thể chở tới 1.000 khách để xây dựng những tuyến vận tải cao tốc, nối liền biển đảo khắp cả nước.
Đặc biệt tuyến vận tải hành khách từ đất liền tới Trường Sa được lên kế hoạch và dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động để du khách có cơ hội đến với vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Chúng tôi đang chuẩn bị cho những chuyến khảo sát tuyến tàu cao tốc tới Trường Sa. Từ đất liền tới Trường Sa đi bằng tàu vận tải như hiện nay thì mất 1 ngày 1 đêm mới tới đảo gần nhất, nhưng đi bằng tàu cao tốc của chúng tôi thì mất chừng 8 tiếng, nghĩa là sáng đi thì tới chiều tối đã tới đảo”- anh Khương cho biết.
Theo ông chủ hãng tàu, tuyến vận tải hành khách đất liền với Trường Sa nếu được mở ra sẽ là cơ hội cho phát triển kinh tế biển đảo tại đây và tăng cường việc khẳng định và gìn giữ chủ quyền, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Màu đỏ trên những con tàu của chúng tôi chính là màu của lá cờ Tổ quốc mà chúng tôi muốn đem tới mọi vùng biển đảo đất nước”- anh Khương nói thêm.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Việc đưa vào sử dụng tàu cao tốc Vũng Tàu- Côn Đảo đã thực sự mang lại ý nghĩa xã hội lớn lao cho người dân Côn Đảo nói riêng và người dân Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung. Từ khi tàu cao tốc được đưa vào sử dụng, khoảng cách giữa Côn Đảo với Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn, người dân thuận tiện hơn rất nhiều trong việc đi lại và giải quyết công việc. Người dân Côn Đảo có cơ hội phát triển hơn nhờ sự thuận tiện này”.