Mới đây, Tata Motors đã ký Biên bản ghi nhớ với hãng xe Mỹ để mua lại nhà máy sản xuất Sanand của Ford ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, nhằm tăng cường sản xuất xe điện.
Biên bản ghi nhớ được công bố vào ngày 30/5 vừa qua, bao gồm đất đai, tài sản và tất cả nhân viên đủ điều kiện làm việc tại nhà máy Sanand. Các chi tiết tài chính của thỏa thuận không được tiết lộ.
Tata cho biết họ sẽ đầu tư vào máy móc và thiết bị mới tại nhà máy thông qua bộ phận di động điện và dự kiến nhà máy sẽ có công suất sản xuất 300.000 chiếc mỗi năm sau khi hoàn thành. Công suất cũng có thể được tăng lên hơn 400.000 xe mỗi năm.
Shailesh Chandra, giám đốc điều hành của Tata Passenger Electric Mobility cho biết: “Sự ưa thích ngày càng tăng của khách hàng đối với xe chở khách và xe điện do Tata Motors sản xuất đã giúp cho công ty tăng trưởng gấp nhiều lần. Khoản lợi nhuận đầy tiềm năng này sẽ hỗ trợ mở rộng sản xuất”.
Năm ngoái, Tata đã huy động được 1 tỷ USD từ công ty cổ phần tư nhân TPG để kinh doanh xe điện và cạnh tranh trong lĩnh vực này với đối thủ chính là hãng xe Mahindra. Chủ sở hữu của Jaguar Land Rover đã thống trị thị trường ô tô điện còn non trẻ của Ấn Độ, nơi mà chính phủ đang cố gắng đầu tư phát triển bằng cách cung cấp cho các công ty các ưu đãi hàng tỷ đô la.
Việc Tata Motors mua lại nhà máy Sanand sau khi nhà sản xuất ô tô Ford vào năm ngoái đã quyết định ngừng sản xuất tại Ấn Độ, nơi họ chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần và đã phải vật lộn để kiếm lợi nhuận trong hơn hai thập kỷ.
Trong thông báo đưa ra từ tháng 9 năm ngoái, Anurag Mehrotra, người đứng đầu Ford Ấn Độ nói: "Mặc dù nỗ lực, chúng tôi không thể tìm ra con đường để dẫn tới lợi nhuận lâu dài". Quyết định của Ford nhằm cắt lỗ tại Ấn Độ. Hãng cũng đã rời khỏi Brazil đầu năm nay do áp lực đầu tư hơn nữa vào việc điện hóa và xe tự lái, cũng như công nghệ kết nối trên ôtô.
Không chỉ Ford, hiện nhiều hãng xe khác cũng đang phải tranh đấu để duy trì sự hiện diện tại các thị trường lớn. Các hãng như Ford, General Motors (GM), Renault và Stellantis đang dần rút khỏi những liên doanh đốt tiền và chuyển nguồn vốn sang điện hóa và đầu tư vào công nghệ mà họ cần để sống sót. Trước Ford, GM và Harley-Davidson cũng đã rời khỏi Ấn Độ.