Tuần lễ hồng EVN diễn ra từ 4/1 đến 10/1 tại tất cả các đơn vị Điện lực trực thuộc EVN trên toàn quốc. Thủ đô Hà Nội là địa điểm phát động đầu tiên, tiếp theo sẽ là các thành phố lớn khác như TP HCM, Cần Thơ, Hội An, Trà Vinh, Sơn La… Đây là một hoạt động ý nghĩa, chia sẻ tấm lòng của cán bộ công nhân viên EVN tới cộng đồng nói chung và các bệnh nhân nói riêng.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành đã gửi Thư kêu gọi Hưởng ứng Tuần lễ hiến máu tình nguyện toàn Tập đoàn: “Thay mặt Đảng ủy, Ban lãnh đạo EVN, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cùng chung một tấm lòng để cứu giúp những bệnh nhân có cơ hội được sống hoặc kéo dài sự sống bằng chính giọt máu quý báu của chúng ta”. Ngay sau khi phát động chương trình, đã có hơn 4.500 cán bộ công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam tình nguyện đăng ký hiến máu.
Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An tham gia hiến máu nhân đạo.
Hoạt động hiến máu tình nguyện đã được EVN thực hiện thường xuyên và liên tục trong nhiều năm qua, đã có những tập thể và cá nhân tiêu biểu luôn sẵn sàng san sẻ dòng máu trong cơ thể để góp phần cứu giúp người bệnh.
Tại lễ phát động Tuần lễ hồng EVN, Viện huyết học – Truyền máu Trung ương đã trao Giấy khen cho 02 nhân vật tiêu biểu trong hoạt động hiến máu tình nguyện nhiều năm qua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là ông Nguyễn Thế Kỷ, Công ty Điện lực Lào Cai, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (đã tham gia hiến máu 30 lần); Ông Trần Tiến Trung, Công ty Điện lực Hai Bà Trưng, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (đã tham gia hiến máu 26 lần).
Các bộ công nhân ngành điện đăng ký tham gia hiến máu.
Bên cạnh đó, EVN cũng trao tặng 20 phần quà hỗ trợ cho các em bệnh nhi có hoàn cảnh gia đình khó khăn đang điều trị tại Viện huyết học – Truyền máu trung ương với mong muốn “Thắp sáng niềm tin”, đem tới mùa xuân ấm áp để các em và gia đình có thêm động lực, niềm tin chiến thắng bệnh tật.
Theo thông tin từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương - “ngân hàng” máu lớn nhất miền Bắc thì thời điểm hè và giáp Tết là lúc nguồn dự trữ của ngân hàng máu thường nằm trong tình trạng báo động, do dịp này lực lượng hiến máu chính là học sinh, sinh viên nghỉ về nhà. Hơn nữa, máu chỉ được bảo quản trong một khoảng thời hạn nhất định, ngoài thời hạn đó chính tế bào cũng tự "chết".
Trong điều kiện hiện nay, tại các trung tâm truyền máu hiện đại ở nước ta thì hồng cầu được giữ tối đa là 42 ngày, tiểu cầu là 3- 5 ngày... Trong khi đó, nhu cầu về máu cho cấp cứu, tai nạn bất ngờ, bệnh nhân cần máu lại tăng cao vào dịp giáp Tết. Có những năm rơi vào tình trạng dưới ngưỡng an toàn, bệnh nhân cần máu như điều trị tan máu bẩm sinh phải chờ 5 ngày tới 1 tuần mới được truyền máu.
Trao quà cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để đảm bảo an toàn truyền máu của một quốc gia thì số đơn vị máu tiếp nhận được hằng năm phải bằng tối thiểu 2% dân số quốc gia đó. Như vậy nước ta cần tối thiểu 1,9 triệu đơn vị máu/năm.
Trong khi đó, Theo Viện Huyết học và truyền máu (HH - TM) Trung ương, từ năm 2007 tới nay, lượng máu dự trữ đều thấp hơn so với nhu cầu. Năm 2015, cả nước ước tính có tỷ lệ dân số hiến máu đạt 1,27% , đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị và dự phòng.