EVN khốn khổ vì... diều

TP - Mải mê với thú vui giải trí thả diều, nhưng vì bất cẩn, thậm chí là vô ý thức, nhiều người dân đã gây ra hàng loạt sự cố đứt, cháy nổ đường dây 550kv và 220kv, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

> Báo động trộm cắp điện
> Dồn sức cấp điện mùa khô

Hiểm hoạ khôn lường

Trời vừa hửng nắng, trên cánh đồng làng Cẩm Trà, Thuận Thành (Phổ Yên, Thái Nguyên), hàng chục cánh diều sáo, bấp chấp sự nguyên hiểm vì bên cạnh là đường dây 220kv Thái Nguyên-Hà Nội.

Nhìn những cánh diều no gió đang chao lượn, ông Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Cty Truyền tải điện Thái Nguyên (thuộc Cty Truyền tải điện 1) thở dài. Nhìn rất thanh bình nhưng nếu đứt dây, vướng vào dây điện, thiệt hại sẽ rất lớn.

Chỉ tính riêng năm 2012, địa bàn huyện Phổ Yên đã xảy ra 4 vụ chập điện do diều. Như ngày 3/12/2012, tại làng Cẩm Trà xảy ra vụ phóng điện trên đường dây truyền tải 220KV mà thủ phạm chính là diều đứt dây, vướng vào hai dây dẫn cột 19 và 20, gây phóng điện, chập cháy hai đường dây và hệ thống bát sứ cách điện.

Vụ phóng điện làm mất điện 4 giờ trên địa bàn các huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), Sóc Sơn (Hà Nội) và một số xã của huyện Hiệp Hòa (Bắc Ninh) do phải thay toàn bộ các bát sứ cách điện.

Sau đó gần hai tuần, ngày 30/12, cũng tại đường dây 220KV Thái Nguyên - Hiệp Hòa (Bắc Ninh), tại địa phận xã Trung Thành, huyện Phổ Yên, dây diều lại mắc vào cột cột 24 và 25, gây phóng điện, chập cháy hai dây dẫn. Đơn vị quản lý đã phải cắt điện để sửa chữa và thay các bát sứ mất khoảng ba giờ đồng hồ.

Xác và dây diều mắc trên dây điện cao thế gây phóng điện. Ảnh: Phong Cầm.

Theo ông Trần Minh Tuấn - Phó giám đốc Công ty truyền tải điện 1, chi phí cho việc sửa chữa, thay thế các thiết bị mỗi vụ phóng điện mất gần 200 triệu đồng, chưa kể mất điện ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân trong khu vực. Nếu tính thì lên đến hàng tỷ đồng.

Ngoài việc người dân địa phương chơi diều vướng vào đường dây điện cao thế, một số vụ diều đứt dây bay tới địa phương khác gây sự cố như vụ ngày 13/12/2012 tại xã Đắc Sơn. Sự cố phóng điện do dây diều làm vỡ 3 dây sứ, mỗi dây 30 bát. Phần lớn những vụ việc này đều không tìm ra thủ phạm, nếu có cũng rất khó xử phạt.

Cần có chế tài xử lý mạnh

Theo ông Trần Minh Tuấn, hiện có nhiều quy định cụ thể về việc bảo đảm an toàn hành lang lưới điện. Theo Điều 48 Luật Điện lực, quy định rõ trách nhiệm bảo vệ trang thiết bị, công trình điện lực và an toàn điện. Điều 50 cũng quy định về hành lang bảo vệ lưới điện.

Thậm chí, tại khoản 4 Nghị định 81 của Chính Phủ cũng quy định rõ việc thả diều, vật bay hoặc bất cứ vật gì gần đường dây điện và có khả năng ảnh hưởng đến công trình lưới điện cao áp sẽ bị phạt tiền.

Tuy nhiên, các quy định này vẫn chung chung, chưa nêu rõ khoảng cách vi phạm đường dây truyền tải là bao nhiêu mét nên các đơn vị quản lý đường điện truyền tải bị lúng túng, khó khăn trong việc xử phạt người vi phạm. Trong khi đó, càng đến hè, người dân vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện 220kv ngày càng gia tăng.

Theo lãnh đạo Công ty truyền tải điện 1, thú chơi diều của người dân hiện nay đã biến tướng, không chỉ là những chiếc diều sáo nhỏ mà nhiều người chơi đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua các phụ kiện như: dây, sáo, đèn led… và nhiều cuộc thi diều tự phát có cá cược đã xảy.

Nhiều chủ diều kỳ công về tận Thái Bình đặt dây tơ, làm những con diều có chiều ngang hơn 2m, chiều dài tới 3,5m, có thể thả cả ngày- đêm. Nếu những con diều trên mắc vào lưới điện 220kv gây phóng điện, hậu quả rất lớn.

Nhằm ngăn chặn việc thả diều trong khu vực hành lang lưới truyền tải điện quốc gia, ngày 10/1/2013, Phó chủ tịch UBND huyện Phổ Yên, ông Lê Thanh Tuyết đã ký văn bản số 26/UBND-KTHT gửi các địa phương với nội dung nghiêm cấm việc thả diều gần khu vực có công trình lưới điện cao thế, nhất là đường dân truyển tải điện quốc gia 110kv, 220kv và 500kv.

Nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định và có thể phải truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra sự cố ngừng cung cấp điện.

“Mặc dù đã phối hợp chặt với chính quyền địa phương, thông qua hệ thống loa truyền thanh về hậu quả và tác hại của việc thả diều gần đường dây truyền tải, nhưng ý thức của người dân vẫn khó thay đổi. Một số người vì quá đam mê diều mà không chịu từ bỏ hoặc vẫn cố tình đem diều ra thả gần đường dây điện” - ông Hùng cho biết.

Theo Báo giấy