EU giục Anh sớm ra đi

TP - Lãnh đạo Nghị viện châu Âu hôm qua hối thúc Thủ tướng Anh thực hiện ngay thủ tục để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) tại một cuộc họp thượng đỉnh trong tuần này để tránh gây tổn thất và rủi ro.
Bộ Tài chính Anh ước tính việc Anh rời bỏ EU sẽ gây ra tổn thất tương đương 4.300 bảng Anh/năm/gia đình. Ảnh: Getty Images.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nói với báo Đức Bild am Sonntag rằng, thời kỳ lấp lửng sau khi trưng cầu ý dân về Anh rời khỏi EU (Brexit) có thể gây ra nhiều rủi ro về an ninh và việc làm. “Lưỡng lự để thích ứng với chiến lược của phe bảo thủ chỉ khiến mọi người bị tổn thương”, ông Schulz nói. “Đó là lý do chúng tôi kỳ vọng chính phủ Anh thực hiện ngay. Hội nghị thượng đỉnh vào thứ Ba tuần này là thời gian thích hợp”, Chủ tịch Nghị viện châu Âu khẳng định.

Bốn nhóm lớn nhất trong Nghị viện châu Âu đã vạch ra nghị quyết sơ bộ để kêu gọi Thủ tướng Anh David Cameron thúc đẩy Brexit, báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung đưa tin. Nhóm này cho rằng, triển khai Brexit ngay là việc cần thiết “để tránh sự lưỡng lự gây tổn thất cho mọi người và để gìn giữ tính toàn vẹn của liên minh”. 

Theo họ, “chưa có hiệp ước nào về quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit được hoàn tất”. Thủ tướng Cameron cuối tuần trước tuyên bố ông sẽ từ chức vào tháng 10 tới và để việc đàm phán Brexit cho người kế nhiệm. Để bắt đầu tiến trình rút khỏi EU, Anh sẽ phải dựa vào Điều 50 của Hiệp ước Lisbon của EU. Bước đầu tiên là phải thông báo với Hội đồng châu Âu để xác định lịch trình đàm phán trong 2 năm.

EU sẽ tổ chức họp thượng đỉnh 2 ngày, bắt đầu từ ngày mai, để thảo luận về kết quả trưng cầu ý ở dân Anh và Nghị viện châu Âu sẽ có phiên thảo luận đặc biệt về vấn đề này. Các ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU cuối tuần qua cũng thúc giục Anh bắt đầu quá trình rút lui “càng sớm càng tốt”. 

Nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel thận trọng hơn, nói rằng việc khi nào bắt đầu quá trình rút lui là tùy thuộc vào Anh, dù không nên “kéo dài mãi mãi”. “Không có lý do gì phải thô tục trong đàm phán. Chúng ta phải theo đúng quy luật cuộc chơi”, AP dẫn lời bà Merkel nói hôm 25/6.

Trong khi đó, số người ký vào đơn kiến nghị chính phủ Anh tổ chức trưng cầu ý dân lần hai về Brexit đã lên đến 3,1 triệu. Tác giả của lá đơn, ông William Oliver Healey, nói rằng, chính phủ Anh nên tổ chức bỏ phiếu lại vì tỷ lệ người bỏ phiếu rời EU chưa đến 60%. 

Tuy nhiên, GS Vernon Bogdanor, một trong những chuyên gia lập pháp nổi tiếng nhất ở Anh, cho rằng, cơ hội tổ chức bỏ phiếu lần hai “có khả năng cao là không xảy ra”. “Tôi không nghĩ EU muốn mặc cả thêm nữa, họ sẽ coi đây là kết quả cuối cùng”, báo Anh Telegraph dẫn lời GS Bogdanor.

 Ủy ban kiến nghị thuộc Hạ viện Anh hôm qua cho biết, họ sẽ điều tra cáo buộc có gian lận trong lá đơn kiến nghị kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân lần hai. Bất kỳ chữ ký giả mạo nào bị phát hiện sẽ bị loại bỏ, Ủy ban cho biết. Trước đó, Thủ tướng Cameron khẳng định sẽ không có cuộc bỏ phiếu thứ hai.

Scotland sẽ phủ quyết

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon hôm qua tuyên bố, Scotland sẽ nỗ lực ngăn chặn việc Vương quốc Anh rời bỏ EU bằng cách dùng quyền phủ quyết. Bà Sturgeon phát biểu như vậy sau khi kết quả trưng cầu ý dân cho thấy 52% dân Anh ủng hộ ra khỏi EU. Tại Scotland thì ngược lại, với 62% người ủng hộ Anh ở lại và 38% muốn thoát ly EU.

Trước đó, bà Sturgeon nói bà và các đồng nghiệp sẽ bàn bạc với các quan chức Brussels trong tuần này về việc Scotland vẫn ở lại EU. Chỉ 1 ngày trước khi kết quả trưng cầu ý dân tại Anh được công bố, nhà lãnh đạo Scotland xác nhận một cuộc trưng cầu ý dân về việc Scotland độc lập khỏi Vương quốc Anh sẽ được cân nhắc.

Trong khi đó, nội bộ Công đảng Anh đang bị chia rẽ sâu sắc sau khi có kết quả trưng cầu ý dân. Nhiều thành viên đảng này đang muốn lật đổ lãnh đạo của đảng để tăng cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Những thành viên “nổi dậy” của Công đảng sẽ lập ra “đảng trong đảng” nếu ông Jeremy Corbyn không từ chức và chọn ra lãnh đạo lâm thời.

Trong khi đó, giờ là lúc nhiều người Anh bắt đầu cảm thấy tổn thất của việc sẽ rời EU, cho dù họ nhận được nhiều cảnh báo trong những tuần qua. Các lãnh đạo tài chính Anh đang phải nỗ lực tái bảo đảm với các gia đình, doanh nghiệp và nhà đầu tư rằng, họ có thể kiểm soát được tác động đen tối của việc Anh ra khỏi EU. 

Giá trị đồng bảng Anh đã tụt xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua, làm dấy lên nỗi lo lắng về nguy cơ lạm phát; giá cổ phiếu của các ngân hàng và hãng bất động sản lớn nhất ở Anh đã sụt giảm với tỷ lệ 2 con số trong khi các nhà kinh tế dự báo đất nước có thể rơi vào suy thoái.

Giới chuyên gia đưa ra dự đoán ảm đạm với nền kinh tế Anh, cho rằng nước này sẽ đối mặt suy thoái hoặc không tăng trưởng trong năm sau. Đó là xu hướng đảo ngược hoàn toàn đối với nền kinh tế thuộc nhóm hoạt động tốt nhất trong số các nước phát triển trong những năm gần đây.

Một dấu hiệu sớm cho những vấn đề nước Anh gặp phải là việc Moody’s hạ mức dự báo triển vọng của Anh từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Hãng này cho rằng, kết quả trưng cầu ý dân “sẽ báo trước một thời kỳ bất ổn kéo dài cho Anh, với những tác động tiêu cực lên triển vọng tăng trưởng trong trung hạn”.

Trước khi đợt bỏ phiếu diễn ra, Bộ Tài chính Anh ước tính, việc nước Anh rời bỏ EU sẽ gây ra tổn thất tương đương 4.300 bảng Anh với mỗi gia đình. Nguồn thu từ thuế sẽ giảm khoảng 30 tỷ bảng nên khoản này sẽ phải bù đắp bằng việc tăng thuế thu nhập và thừa kế. Giá nhà đất có thể giảm 18% vào năm 2018 nếu nước này không rời khỏi EU.