Tiếng tru tréo của bà Doan hàng xóm lúc về chiều càng làm cho cái xóm nhỏ thêm phần chộn rộn. Bà ngoại lập cập chạy ra tìm nó, mà nó vẫn đứng trơ nguyên ra đó, như không hiểu chuyện gì xảy ra cho đến khi bà kéo nó vào lòng như muốn che khỏi con mắt của vòng vây hàng xóm đông đúc. Thằng Lâm vẫn dệu cái miệng méo xệch chảy dài của mình ra những tiếng như heo ụt ịt.
Bà Doan cố kéo nó ra mà xỉa xói. Mãi cơn tam bành lục tặc của bà ta mới xẹp xuống để nghe tiếng xin lỗi lập cập của bà nó. Tôi không cần lời xin lỗi của bà, là cái con trời đánh kia kìa, nó phải xin lỗi thằng Lâm, bà Doan hầm hầm gạt tay bà nó ra hếch mặt về phía nó như ra hiệu. Nó trợn mắt lên nói con không đánh thằng Lâm, do thằng kia đuổi con nên mới bị ngã. Bà Doan lại nhảy đổng lên trận nữa, bà con hàng xóm thì phẩy tay bảo thôi toàn chuyện của lũ con nít, nhưng bà ta vẫn cứ nằng nặc bắt nó xin lỗi bằng được thằng con vàng con bạc nhà bà. Bà ngoại nó run run, bắt nó vòng tay xin lỗi, nó chỉ quay sang hỏi ngoại một câu, sao cháu phải xin lỗi nó, cháu đâu có đánh nó? Bà Doan lại gào lên, đồ mất dạy, mày không làm gì con bà sao nó lại khóc như thế này? Nó cứng đanh đứng sang một bên hỏi lại, nếu cháu đánh nó thì cháu phải xin lỗi đúng không? Bà Doan rít lên chằng chằng, chứ còn gì nữa. Nó đĩnh đạc bước tới trước cái mặt đắc thắng của bà Doan, rồi thình lình giơ tay tát cái đốp luôn vào cái mặt vừa hết méo xệch của thằng Lâm. Rồi trong lúc cả mẹ lẫn con bà Doan vẫn chưa kịp khép miệng bàng hoàng nó đã cúi xuống vòng tay đàng hoàng, xin lỗi vì đánh bạn Lâm.
Nó nổi tiếng nhất xóm, không chỉ vì cái tính ngang bướng, không chỉ vì mồ côi cả cha lẫn mẹ, mà còn vì nó xinh đẹp và học giỏi nhất cái xóm nhỏ này.
Mười bảy tuổi, nó nghỉ học, ngoại không thể lo cho nó học lên nữa. Ngoại quá già và yếu rồi, đôi mắt nhập nhòe của ngoại rỉ ra được hai giọt nước ngầu đục khi thấy nó nâng niu cất vào rương bộ áo dài cũ và tất cả sách vở. Cô chủ nhiệm tiếc vì nó là lớp trưởng, học giỏi lại hát hay, nên cố công huy động đóng góp từ nhà trường mang đến cho nó được năm trăm ngàn, động viên nó đi học lại. Nhưng nó cương quyết lắc đầu, chỉ có nó biết ngoại yếu lắm rồi, nó muốn làm gì đó cho ngoại. Nhưng mười bảy tuổi, nó chỉ mới chớm trổ da, trổ dáng, sức vóc thì không có thì làm sao có thể giúp ngoại được.
***
Mười bảy tuổi lẻ ba tháng, nó im lặng bước về nhà chồng. Trớ trêu thay, đó chính là Lâm, người mà nó cho một tát tai khi còn nhỏ. Nó kín miệng, nên chả ai hay nó vui hay buồn khi lấy chồng. Lâm, cái mặt vẫn béo nhưng bớt phệ, nụ cười hơi méo, mắt nhìn chằm chằm vào nó không giấu nổi vui sướng. Còn bà Doan gương mặt dù vẫn sưng sỉa, vẫn gắng nở nụ cười với bà con lối xóm. Bên nhà nó không có ai, vì ngoại nó đã nằm liệt giường bên nhà, không ai thấy được nó có nhỏ ra giọt nước mắt nào trong căn nhà ấy hay không.
Mười bảy tuổi lẻ bốn tháng, nó mất đi người thân cuối cùng. Đôi vai nó mỏng manh rung lên trong tiếng nấc mà tuyệt nhiên không thấy nước mắt rơi. Đám tang của ngoại nó cũng đơn sơ, thinh lặng như nó lúc này. Tất cả đều im lặng, nhìn nó cúi đầu bên nấm đất còn dậy mùi nồng nồng mà chờ đợi. Đến khi Lâm chịu không nổi, đưa cánh tay ra xốc nó về mới thấy nó đã rũ rượi từ lúc nào. Nó thẫn thờ, ốm o mất mấy tháng, người cứ xanh lét rồi gầy rộc đi trong tiếng nói réo rắt của bà Doan nay đã thành mẹ chồng nó. Nhưng đôi mắt nó lấy lại thần sắc, lại quắc lên như hồi nào khi nghe bà Doan bàn chồng nó bán miếng đất của ngoại nó để lại, lấy vốn làm ăn. Cái tát ngày xưa của nó bằng bàn tay nhỏ không đủ in hằn năm dấu ngón tay lên má của Lâm. Còn cái tát giờ chồng nó dành cho nó có vị mặn của máu, có vị rin rít của đầu lưỡi kèm theo tiếng chửi thề của mẹ chồng, có cái quặn mình chao đảo của nó. Không thấy tiếng bênh vực của ai. Nó thành người dưng với tất cả rồi.
Mười bảy tuổi lẻ tám tháng, sau những hòa giải không thành, nó về lại ngôi nhà xiêu vẹo cũ. Đã biết mồ côi tủi phận như thế nào, mà nó vẫn không khoan nhượng ánh nhìn cho dịu lại. Cái ánh nhìn của nó chỉ hơi chùng lại khi thấy có bóng bạn bè đi qua ngõ, tíu tít bàn về mùa thi, nó nhận ra bà nó đã mong gì ở nó. Để gác lại tất cả, nó tất tả đi tìm những mối việc không tên, đã quen khi về nhà chồng. Cô giáo chủ nhiệm thương tình xin cho nó chân bảo vệ trường để nó kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Nó lăn vào làm tất cả, nhưng không quên mở rương hòm ra, xem lại bộ áo dài cũ, rồi lại dúi sâu hơn vào góc để lôi ra tập vở. Nó xin học và thi bổ túc cùng đợt thi của bạn bè chính khóa với sự giúp đỡ hết lòng của thầy cô. Ánh nhìn của nó lại tràn trề khi nhận được kết quả đậu tốt nghiệp như các bạn. Nhưng vì nó không kịp đăng kí đợt thi đại học như các bạn, nó ngậm ngùi nộp hồ sơ đi học trung cấp dược trên phố. Nhà cửa nó nhờ bác Ba và cô giáo chủ nhiệm trông coi mặc cho bà Doan và Lâm vẫn lằng nhằng qua gây sự.
Mười tám tuổi lẻ ba tháng, nó phải gác chuyện học hành thêm một lần nữa, im lặng nhìn đứa trẻ đang nằm trong lồng kính, con nó, yếu ớt và lặng lẽ như mẹ. Chả biết nên khóc hay nên cười khi nó không hiểu đã mang trong mình cái mầm sống nhỏ nhoi oặt ẹo ấy. Có cái gì đó đã nối nó với mầm sống ấy. Mối nối mỏng manh nhưng khiến nó nhận ra không còn cô đơn nữa. Nhưng mối nối đó đang mỏng manh như khói. Nó phải níu lại cho mình, níu lại cho mình mối nối này thôi, nếu không nó sẽ không biết bám vào đâu để đứng lên nữa.
Cắm cúi mà làm, cắm cúi mà sống, nó không kịp xem bao nhiêu thời gian đã trôi qua, chả kịp biết thằng cu Bim đã biết bi bô tiếng “mẹ” bao giờ, chỉ khi nghe cu Bim bập bõm thêm tiếng “ba, ba” nó mới quặn lòng lên khôn xiết. Nó mồ côi cả cha lẫn mẹ, nó còn ngoại bên mình, cu Bim có mẹ, có cha mà sao giờ cũng như khuyết đi chút đỉnh như nó rồi. Nó thẫn thờ, ôm con vào lòng mà trào nước mắt, bây giờ đã có thể thảnh thơi mà nếm thử nước mắt có mùi vị gì, mằn mặn, nhẹ nhàng mà sao xót thế, có mấy dịp nó rơi nước mắt đâu. Chỉ thấy nước mắt ngoại, ngày nó nghỉ học nhận lễ nhà Lâm, thấy nước mắt ngoại ngày nó diện áo cưới đưa Lâm đến chào, thấy nước mắt Lâm ngầu lên ngày nó kiên quyết đưa cái đơn li dị. Và cái níu tay đến chùng lòng, rớt nước mắt ngày nó thay đồ lên tòa thẳng thớm rứt khỏi Lâm.
Nước mắt ngoại, ngầu đục, lạnh như sương, thương cho đứa cháu mồ côi tủi phận, còn nước mắt Lâm thì vì lẽ gì hả Lâm? Bên nhau chỉ mấy tháng chứ có nhiều nhặn gì đâu mà chia nước mắt sang cho nó?
Nó nhớ nguyên vẹn cảm giác lạnh rát bàn tay khi chạm vào ngoại. Nó đã lay, đã gọi, đã lạc bẵng mất cả bản thân khi thấy ngoại nằm đó lặng yên. Tô cháo nóng hổi trên tay nó tung tóe, văng bỏng cả vệt đùi mà nó không hề cảm thấy, chỉ thấy cái lạnh xuyên suốt, chạy dọc người, lan tỏa và đóng băng lấy nó. Nó nhớ tối đó đã xin Lâm về bên ngủ với ngoại, nhưng Lâm không cho, Lâm lấy quyền làm chồng của mình mà không cho, để mặc nó rã rời với nỗi lo về ngoại đang nằm đau một mình bên nhà. Nó lấy chồng gần để làm gì cơ chứ, chỉ là để được gần ngoại, được chăm cho ngoại những lúc ốm đau, vậy mà khi ngoại cần nó ở bên nó lại không thể. Nó hận Lâm, hận cái bản năng của Lâm đã làm nó mất ngoại, nên cái tát tai của Lâm chỉ là cái cớ để nó rũ bỏ. Nó mặc Lâm ân hận, mặc Lâm từ bỏ cả sĩ diện quỳ trước nó mà van xin. Nó vẫn vậy, không thể đổi chút lòng mình cho ai, trừ ngoại và giờ là thằng Bim.
Rồi nhìn con, nó nhận thấy suy nghĩ và tấm lòng của ngoại ngày trước ở ngay trong mình. Nó tưởng tượng con mình bị chửi là “đồ không cha” như mình hồi bé. Nó thấy mọi thứ quay lại rất nhanh khiến đôi chân không còn làm chủ được mà khuỵu hẳn xuống… Nó khẽ xoa đầu cu Bim mà nhận ra nỗi đau trong nó cũng đã ám lên con từ lúc nào…
***
“Mẹ, con tìm được bà, bà ngã rồi!”, tiếng cu Bim gọi khiến nó thoát khỏi những miên man khi ngồi bên mộ ngoại. Sao lại có bà ở đây? Nó không khỏi nghi ngại, bởi đã về làng trong yên lặng, lúc đầu chỉ định ghé mộ ngoại cho cu Bim biết hình ảnh cố; nhưng rồi nó đã ghé nhà cô chủ nhiệm để lấy chìa khóa về nhà ngoại. Cô đi vắng, đứa con gái nhỏ của cô đưa dùm nên nó cũng chả có thời gian để hỏi chuyện nhà. Mộ của ngoại đã được sửa sang lại cẩn thận và không có vết cỏ, dường như có người vẫn thường lui tới sửa sang và chăm sóc mộ cho ngoại, không biết có phải là bác Ba hàng xóm không, hay là ai nữa?
Bà Doan, mẹ chồng nó đang bước về phía nó cùng với cu Bim khiến nó ngỡ ngàng. Mới có ít năm mà sao nhìn bà như già thêm chục tuổi, mái tóc bạc trắng như xác xơ hơn trong trời chiều, đôi mắt kèm nhèm như mắt ngoại hướng về phía nó mà như không nhận ra nó. Nó giật mình thốt lên tiếng “mẹ” rồi câm lặng. Dường như mẹ chồng đã không nhận ra nó, bà cười một cách ngu ngơ và hiền lành như đứa trẻ ở bên cu Bim. Nó dắt tay cu Bim bước về phía nhà ngoại, nỗi nghi ngại cứ lớn dần trong nó, nó còn mong ngóng ai, còn đợi chờ hay phấp phỏng điều gì nữa mà bước chân như ríu lại khi nghe tiếng líu lo vui vẻ của cu Bim. Đây là lần đầu tiên nó dẫn cu Bim về, nó im lặng giấu tuyệt đối cu Bim với quá khứ, vì nó sợ quá khứ sẽ cướp mất cu Bim khỏi nó, nhưng điều gì lại xui khiến nó dắt cu Bim về vào những ngày giáp Tết như thế này.
Xóm nhỏ vẫn không thay đổi mấy, có thêm vài căn nhà tách riêng ra trên mảnh vườn rộng của gia đình. Có lẽ xóm đã có thêm nhiều gia đình mới. Nhà của ngoại ở phía cuối con đường đất, cạnh khúc quanh sang nhà Lâm.
Lâm yên lặng nhìn nó, bộ đồ của Lâm nhàu nhĩ, đầy bụi đất. Lâm vừa bổ nhào đi tìm mẹ, bà Doan - từ ngày nó bỏ đi, mọi thứ thay đổi đến thế này sao? Lâm không còn mập mạp nữa, đôi mắt trũng sâu đến kì lạ, mọi kỉ niệm đã đóng thành vệt trong mắt Lâm sâu đậm đến nỗi không cần nói gì cũng lộ ra. Những kìm nén trong Lâm trở nên mềm hẳn đi khi chạm ánh nhìn vào nó, lặng im. Nó khẽ tựa vào cột và cũng chỉ biết nhìn vào Lâm không lảng tránh. Tiếng ú ớ đứt đoạn của bà Doan và tiếng cười nắc nẻ của Bim trong nhà đã lay động sự im lặng của cả hai. Lâm cúi mặt xuống nói khẽ “Anh đi tìm mẹ” rồi lầm lũi bước vào nhà. Cu Bim vẫn vui vẻ cười phía trong với bà cụ vừa gặp, chợt nhìn lên khi thấy bà níu tay chú người quen của mẹ mà ú ớ. Lâm đưa mắt nhìn cu Bim rồi bần thần quay lại nhìn nó, nó vội lảng tránh ánh mắt của Lâm rồi đi vội về phía bàn thờ ngoại. Nó không biết giải thích, nó không muốn giải thích, nhưng nó đang lâm vào tình huống cần được giải thích, ánh mắt của Lâm đã nói lên điều đó. Nó chầm chậm thắp một nén nhang lên bàn thờ ngoại, nghe tiếng Lâm hỏi cu Bim phía sau “con mấy tuổi rồi” mà thấy thót tim, mà quay lại trừng mắt nhìn Lâm, anh muốn làm gì? Nhưng Lâm không hề hướng mắt về phía nó mà chỉ nhìn thẳng vào cu Bim đợi câu trả lời của cu Bim. Nó thốt nhiên chạy ào về phía cu Bim ôm chầm lại như che chở, nó nghĩ Lâm sẽ lại giành mất cu Bim của nó, đó là điều không thể.
Khi nó đưa mắt nhìn lên, Lâm đã nắm tay bà Doan bước ra cửa, dáng đi của Lâm cũng nặng nề như của nó, trĩu xuống miền lo mà không san sẻ cùng ai làm nó nao lòng đến thắt lại. Bất chợt tiếng Lâm vọng tới mà không cần quay đầu lại, anh không nghĩ là em lại ác với anh thế, anh có lỗi nhưng đâu đến mức này. Nó chợt thấy tắc nghẹn trong cổ họng, nước mắt bỗng dưng dâng đầy lên mắt, rung lên những xúc cảm của ngày về không mong muốn, của ngày về nhận ra mình vẫn chỉ là yếu đuối và tự cao đến khổ sở. Nó vẫn cần ai đó che chở, vẫn cần ai đó gánh với nó những mối lo toan vụn vặt nó tự đè lên trên vai của mình. Đôi mắt nhòe đi của ngoại không phải chỉ vì mong muốn nó như thế này ư? Nó khóc ngon lành và oan uổng trong tay của cu Bim, tiếng nấc của nó khiến cu Bim hoảng sợ, phải lay gọi “mẹ, ai làm mẹ đau, sao mẹ lại khóc?”.
Lúc ngẩng lên, đã thấy Lâm ngồi bên nó tự lúc nào, nó gục vào vai Lâm trong nức nở. Sao mà phải đi cả quãng đường dài như thế này để nhận ra nó và Lâm đã trưởng thành.
Yên lặng lắm trong nhau, đôi tay Lâm quàng cả vào nụ cười rạng rỡ của cu Bim khi nó chợt nhắc “gọi ba đi con”.