> Vũng Chùa - Đảo Yến trước giờ đón linh xa Đại tướng
Cơn bão số 10 càn quét miền biển Quảng Bình tan tành trong đau thương. Tâm bão quật thẳng vào Quảng Trạch, Đèo Ngang. Nhưng thật lạ, xứ Vũng Chùa như chỉ đón một vùng áp thấp. Một vài nhà tốc mái, một vài nhành cây khô gãy, có cảm tưởng, bão né Vũng Chùa.
Anh Chu Văn An - Bí thư chi bộ thôn Thọ Sơn (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) chỉ tay phía sau núi, kể rằng, anh không nhớ biết bao lần lên xuống núi Rồng. Mới ngũ tuần, anh không uyên thâm phong thủy để giải thích được điều gì, nhưng cảm nhận được nơi bình yên, thì quả quyết: “Xứ bình yên, cả về trời đất cũng như trong lòng người. Dân nơi đây quả nghèo, nhưng lòng thì thơm thảo. Trọng nghĩa tình, sống thật bụng, coi vật chất, công danh đôi khi chỉ là thứ phù phiếm đời người”. Anh An chắc chắn thế, là bởi anh có tí chức nhỏ, Bí thư chi bộ thôn, thường xuyên nắm tâm tư nguyện vọng của bà con. Bà Lê Thị Hồng, thật thà: Cụ quyết định về đây an giấc thiên thu là cụ thương dân Quảng Đông lắm rồi. Tự hào, tự hào lắm. Rồi đây, dân bầy tui đây, vùng du lịch, bán được bao thuốc chai nước chứ. Chú nhỉ. Tôi đứng lặng phắc trên đỉnh Rồng, hướng tầm mắt xa xa về phía Đông, đảo Yến rất gần, mà thấp thoáng mờ ảo trong tiết mùa thu. Lạnh, chợt thấy lòng thanh tịnh. Đại tướng về với đất mẹ, mỉm cười thanh thản với Mũi Rồng, nơi chân khí địa linh, chỉ bậc minh triết thánh nhân, vượt xa suy nghĩ người trần mới hiểu được. Chợt nhớ đến câu chuyện với bậc cao niên Lê Thanh Khành ở làng Thọ Sơn: Vũng Chùa là đất địa linh nhân kiệt. Cụ Khành bảo: “Con đường từ QL1A xuống Vũng Chùa là con đường ra biển lớn. Không phải đơn giản mà ông ấy chọn nơi đây để an nghỉ. Có một cái gì đó vượt lên trên cả phong thủy, cả long mạch thổ thần. Tâm nguyện của Đại tướng vẫn đau đáu về một biển Đông, về một sự hòa hiếu dân tộc. Đại tướng chọn giấc thiên thu hướng ra trùng khơi bao la cũng không có gì lạ. Thác là thể phách còn là tinh anh mà”.
Nhớ lần hầu chuyện đại tá Phạm Duy Tam ở Đà Nẵng - nguyên Phó Tham mưu trưởng quân chủng Hải quân, thuyền trưởng tàu không số huyền thoại. Đại tá kể, chỉ đúng hai tuần sau ngày Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, đoàn tàu không số nhận được mật lệnh của chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp: thần tốc giải phóng Trường Sa. Cách tiến từ Hải Phòng vào Nam cũng thật đặc biệt: tàu cá giả dạng, tức là tàu không số. “Đây là thần cơ diệu toán của Đại tướng” - Đại tá Tam nói. Kết quả thế nào, bao năm nay lịch sử luôn vang vọng. Trường Sa được giải phóng, trở thành một phần thiêng liêng máu thịt của đất mẹ Việt Nam. Đại tá Tam kể, chỉ cần tích tắc chậm trễ, có thể thời thế đổi thay, bởi Trường Sa như nàng tiên giữa biển, biết bao thế lực mưu đồ xâm chiếm. Khi quân đội ta cắm cờ chủ quyền trên những hòn đảo chìm đảo nổi. Ai nấy ngỡ ngàng!