Chia sẻ trên Vnexpress về bức ảnh nhiếp ảnh gia sinh năm 1967 chụp vợ khỏa thân đoạt giải thưởng quốc tế Giuliano Carrara lần thứ bảy tại Italy năm 2008, Dương Quốc Định tiết lộ khi đó vợ ông đã 37 tuổi. Thậm chí khi có người bạn đến xem ảnh đã không nhận ra người phụ nữ trong bức hình là ai nên đã hỏi tên và muốn gặp. Tuy nhiên sau khi biết sự thật, người này ngạc nhiên hỏi ông rằng sao dám chụp vợ và công khai cho mọi người xem. Dương Quốc Định cho biết vợ ông không xấu nên không cần giấu.
Nhiếp ảnh gia này cũng cho biết thêm rằng bản thân ông biết có những người vợ không bao giờ chấp nhận cho chồng chụp nude người phụ nữ khác, nhưng vợ ông lại thấy bình thường và đồng cảm với công việc của chồng. Bởi khi người thân còn không cho chụp thì còn người mẫu nào dám tìm đến ông. 'Ngoài vợ, cháu và em gái đều là người mẫu đầu của tôi', Dương Quốc Định tiết lộ.
Bên cạnh đó, người nghệ sĩ say chụp ảnh nude này còn bật mí bản thân vô cùng khó tính trong việc chọn mẫu.
'Công việc này không đơn thuần là bỏ tiền ra thuê một cô gái đầy đủ bộ phận. Tôi thích chụp toàn thân nên trước hết, mẫu nude phải có gương mặt khả ái. Sau đó, họ phải có văn hóa nền, am hiểu về loại hình nghệ thuật này. Tôi kiên nhẫn giải thích cho mẫu nude công việc và mục đích của nó, sau đó mới bấm máy', nhiếp ảnh gia cho biết.
Do đó mà năm vừa rồi dù có nhiều người tình nguyện làm mẫu cho Dương Quốc Định nhưng ông chỉ chọn được 1 người. Ông quan điểm rằng chụp ảnh không chỉ lưu giữ đường nét cơ thể mà còn là cảm xúc của nhân vật và ông phải cảm được cảm xúc của mẫu thì mới chụp. Đặc biệt, Dương Quốc Định bộc bạch cá nhân ông thường tránh chụp hình hotgirl bởi nhỡ sau này họ có scandal thì tấm hình của ông không còn tinh khiết.
Và khi làm việc, vị nhiếp ảnh gia này tỏ rõ việc tôn trọng đối tượng của mình bằng việc lập hợp đồng làm việc và ghi rõ mục đích. Kết quả chia đôi vì đó là đồng tác giả và tác quyền sở hữu sản phẩm. Bởi theo ông 'Khi có sự quy ước và tôn trọng ngay từ đầu thì công việc chụp mẫu khỏa thân đưa đến an toàn tuyệt đối, tránh thị phi'.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là Dương Quốc Định chưa gặp phải tai nạn nghề nghiệp. Ông tâm sự rằng nhiều năm trước, cô mẫu sắp lấy chồng nên bảo ông hạ hình chụp cô ấy xuống do gia đình không chấp nhận hình ảnh cơ thể cô ấy được trưng bày rộng rãi. Với sự tôn trọng đối tác, nhiếp ảnh gia này đã gỡ bức ảnh xuống một cách nhẹ nhàng.
Nói về nghệ thuật ảnh nude ở Việt Nam, Dương Quốc Định cho rằng một thể loại có phát triển hay không luôn phụ thuộc vào tính lan tỏa cộng đồng. Ở Việt Nam, cách thưởng lãm mỹ thuật của khán giả chưa cao. Giữa người sáng tác và tiếp nhận có ít sự tương tác trực tiếp hoặc công chúng thiếu trải nghiệm để phân biệt tác phẩm nude chân chính với ảnh phi nghệ thuật, phản cảm.
Thêm vào đó, các tác phẩm thường xuyên bị sao chép, chụp trộm bằng nhiều hình thức để phục vụ mục đích kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Đó là sự thiếu tôn trọng và khiến nhiều nghệ sĩ không thể sống được với nghề.