> Doanh nghiệp kiến nghị chưa nên nhập khẩu ngay
Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp đổ lỗi tại quota nhập khẩu đường ồ ạt làm đường trong nước ế. Bộ Công Thương lại khẳng định lỗi tại doanh nghiệp không quản lý chặt hệ thống phân phối dẫn đến găm hàng, đẩy giá.
Giá giảm chậm so với thế giới
Tại cuộc họp báo cân đối cung cầu và điều hành nhập khẩu giá đường do Bộ Công Thương tổ chức ngày 13-5, ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng tính riêng từ 1 đến tháng 4-2011, giá bán buôn đường thế giới giảm tới 18% trong khi giá bán buôn đường trong nước chỉ giảm từ 5,2 - 9,2%. Tại sao giá trong nước giảm rất ít như vậy, tại sao từ nhà máy ra thị trường, giá bán lẻ bị đội cao thế”- Ông An đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định: Các nhà máy đường đang chịu ảnh hưởng từ việc Bộ Công Thương cho nhập đường trong khi doanh nghiệp (DN) đang tồn kho nhiều. “DN rất bức xúc về việc Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng cho rằng việc nhập đường quota nhập khoảng 250.000 tấn trong năm 2011 không ảnh hưởng trong nước và DN đường đang lãi cao”, ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, sở dĩ phải giữ giá đường trong nước cao là do giá mía mua cho nông dân cũng cao. Nếu không giữ giá đường cao thì không hấp dẫn nông dân sản xuất, trồng mía. Hơn nữa, giá phải theo mặt bằng cung cầu. Nếu giá đường thấp, giá mía sẽ thấp và khi đó chúng ta sẽ thành nước nhập khẩu đường và tốn ngoại tệ.
“Chúng ta phải chia sẻ với nhau. Mấy chục triệu người, mỗi người gánh một ít sẽ giúp có một ngành sản xuất ổn định”. Nếu có thể, chính phủ hỗ trợ lãi suất cho một số nhà máy để tạm trữ 200.000 tấn đường cung ứng vào cuối năm 2011”, ông Long đề xuất .
Sau xếp hàng là thừa mứa
Trước phản ánh đường ngoại nhập ép đường nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, hạn ngạch nhập khẩu 250.000 tấn đường công bố đầu năm là hạn ngạch mà 3 bộ và hiệp hội đã rà soát đánh giá, căn cứ theo tình hình sản xuất, tiêu thụ trong năm 2011. Theo thống kê, lượng đường các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, mở L/C đến hết tháng 7-2011 cũng chỉ khoảng 70.000 tấn. Tính tổng 7 tháng lượng đường nhập về chỉ khoảng 123.250 tấn, thấp hơn rất nhiều so với lượng nhập 165.000 tấn của năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Lộc An, cần xem lại hệ thống phân phối của ngành đường. Ông An dẫn chứng: Năm 2010 khi thị trường đường vào thời điểm nóng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM phải gọi điện xin Bộ cấp tốc tìm nguồn cung cấp chuyển vào 10.000 tấn do người dân phải xếp hàng dài mà không mua được đường. Giá đường tăng từng ngày trong khi giá thế giới tăng không đáng kể. Khi đó, Bộ Công Thương đã phải đề nghị Hiệp hội Mía đường, Bộ NN&PTNT cung cấp trực tiếp đường cho các đại lý để bình ổn giá đường nhưng không hề có phản hồi.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT cho biết, năm nay sản lượng đường trong nước đạt khoảng 1,4 triệu tấn. Với giá bán buôn ở mức 17.000 -17.500 đồng/kg là đảm bảo có lãi cho cả người nông dân và doanh nghiệp. Theo ông Hòa, mức cân đối cho nhập khẩu 250.000 tấn năm 2011 là có cơ sở và phù hợp với cam kết quốc tế.
Nông dân không bị ảnh hưởng của đường nhập khẩu
Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia ngành đường khẳng định ngành này đang có mức lãi khá cao, giá thành sản xuất một kg đường của doanh nghiệp ở miền Bắc chỉ ở mức 12.000 đồng và 15.000 - 17.000 đồng đối với khu vực miền Nam. Ngoài ra, với mức giá thu mua mía bao tiêu của các nhà máy đường hiện nay, khoảng 1 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí nông dân có lãi từ 35 - 40 triệu đồng/ha, lãi cao hơn rất nhiều so với người trồng lúa. Cũng theo chuyên gia này, thực tế cho thấy lượng đường bán ra của các doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước tăng rất mạnh trong cả 4 tháng đầu năm. “Doanh nghiệp kêu vì giá đường thế giới xuống thấp, giao dịch đường đóng băng, lãi suất ngân hàng cao khiến nhà máy đường không chịu nổi sức ép tồn kho chứ không có chuyện nông dân bị ảnh hưởng của đường nhập khẩu”- Ông khẳng định.