Đương độ xuân thì

Minh họa: Đỗ phấn

Xung quanh, sao mà cái gì cũng chói lọi. Mặt trời đỏ ối. Biển xanh ngợp rợn. Đầu óc ta còn tròng trành, bãi nôn lầy nhầy trước ngực, trên chiếu ẩm. Không phẳng phiu thơm nức hương liệu như trong cung vàng điện ngọc, mà hỗn độn, ướt át, khắm lặm, đây lại là hiển hiện của sự sống. Nho nhoe ngọ nguậy. Lẽ nào ta chưa chết. Ta không phải chết? 

- Thưa phải. Vương hậu đừng nghĩ đến giàn hỏa nữa, lại còn  được cả tự do, trở về xứ mình làm công chúa.

- Công chúa Đại Việt hay Vương hậu Chiêm Thành, sướng nỗi gì. Ta chỉ muốn làm người con gái danh phận bình thường, tên Huyền Trân, được không?

- Dạ, bề tôi lo phạm lễ giáo.

Quan Hành khiển Khắc Chung e ngại nhưng không sợ hãi, ta mạnh mẽ khuyến khích nữa. Gương mặt phong trần, tua tủa râu của người đàn ông trẻ đã qua già chửa tới ghé xuống, tủm tỉm cười rồi òa lên: “Huyền Trân, nàng…”.

Thuyền trành đi trành lại. Đàn cá Ông nô nghịch đuổi theo, tung lên bụi nước bẩy mầu. Cột buồm chót vót lẫm liệt vuông khố đỏ không che hết đám rối bên trong. “Chà, đúng là cao to đen hôi như  dái thằng thuyền chài”. “Vương hậu à công chúa… Quên, nàng đừng nhìn lên lại say đấy”. Những đùa cợt quăng đi ném lại ngày càng tục tĩu thô dã. Vị của tự do tự tại, mình được là mình đây. Ối chao! 

*

Đi nhẹ nói khẽ cười mỉm buồn vui yêu ghét không bộc lộ. Đậy lại hết kẻo suồng sã tiện dân. Đấy mới đúng lễ phận công chúa. Họ Trần ta xuôi dòng biển từ phương Bắc, cập bờ Đại Việt cứ cửa sông bến bãi mà quăng chài, buôn bán, dần dần lớn mạnh át vì vua Lý, đến khi tranh được ngôi cao tót vời vẫn quen ở trần chân dậm thịch, ăn nói mạnh tợn. Rồi khác dần. Học theo một Thánh Hiền đẩu đâu, rằng có những “lễ giáo” phương Bắc phải theo, mà thứ nào ra hạng nấy bằng không xằng bậy. Ta lớn lên trong giáo dưỡng ấy, không biết hô to nói lớn nở phổi, chân trần mới tiếp được khí đất, để lộ thịt da được gió xuân đùa. Lạ, trong tót vời ấy phụ hoàng Nhân Tông lại mải nương nẻo chẳng giống ai, miếng ngon người đẹp trong cung không đoái, một mực đòi lên núi theo chân đấng bậc khác. Vua muốn làm Phật ạ, để được ăn đói mặc lạnh không thịt cá tanh tao, sợ dẫm phải kiến, nửa đêm lọ mọ chuông mõ, chả biết lấy làm sướng hay là khổ. 

Nhưng chả thoát nào. Vẫn phải trở lại Kinh tọa ngai vàng, trông trái lo đất phong cho họ hàng tôn thất, ngoái phải để bần dân đừng đói quá sinh loạn. Đông Đoài chửa yên đã ngước lên phương Bắc cười nói uốn éo, đến lúc lo phía Nam, khốn thay, lại quàng vào cái thân ta. Theo một kiểu cách truyền từ nhiều triều đại, các đời mỗi triều đều y theo, lúc khoan lúc nhặt, công chúa, tức lũ “bướm” ngay lúc chui ra từ đít các bà vợ vua đã oằn gánh lợi ích của vương triều. Gả cho quan lại, những bậc lương thần làm sở cậy. Đến nơi biên viễn đèo heo hút gió làm vợ thổ ty đặng phên dậu bình yên. Mệnh rồi, tránh còn chả được nữa là chọn người mình thích. Nhưng gần gụi hay xa xôi, hợp lễ giáo hay phải cùng mọi rợ, họ đều được về thăm nơi đẻ ra, dù chỉ thảng hoặc. 

Tiếc cho cây quế giữa rừng...

Thằng cu Sứt trong phường chèo cung đình ra múa may khi tiễn ta về làm vợ Chế Mân. Hỗn hào. Giờ hồn cái thằng hề dám nhại ta sắp tót vời. Từ lâu, Đại Việt và vùng đất phía Nam cứ lúc dựa dẫm, làm lân bang tốt, lúc núi xương sông máu tranh từng vuông đất vịnh bể. Trong một đận thịnh hòa, Thượng hoàng Nhân Tông hứa gả con gái cho vua Chiêm Thành. Bẵng nhiều năm, vua anh ta, Anh Tông, cứ “quên” đi chuyện này, chỉ “nhớ” ra lúc Chế Mân nộp hai châu Ô, Lý làm sính lễ.

Ta mười bẩy, nụ đào mới nứt gập ghềnh, đường cái quan bên núi bên bể nhìn đâu cũng thẳm. “Công chúa ăn đi chứ. Đi là để mở mang bờ cõi hóa cường địch thành thông gia, có gì mà rầu rĩ. Ối giời, nhớ tiếc bụi ngâu con vá a, đều là những hèn mọn”, quan ta lời lời. Qua đèo quan ải trùng trùng đồi cát, sứ Chiêm đi đón lại “Thềm vàng điện ngọc còn sẵn, Vương hậu đoái làm gì đám hoa cau trên bể nước sáng ra”. Ta hóa thành câm điếc. Phải làm người lớn còn gì, chỉ là bên trong còn mảnh téo teo nó cứ nhoi nhói.

Sinh ra đã có tội. Đã gánh nợ. Sao lại mang họ Trần, chẳng được Bùi Nguyễn Đặng Phan trong bờ bụi. Ngói lành hơn chán vạn ngọc nát chứ lỵ. 

Những xa ngái buồn thương phải chóng dẹp đi, trước mắt là đón rước linh đình, võng to kiệu cả. Ta là Vương hậu thứ nhì. “Bà lớn”, ta cứ gọi thế, người mạn bể phía Nam, mình trắm đen ròn rã, hàm răng chắc khỏe làm nụ cười sáng bóng. “Em phải giữ phận. Đức vua tháng chỉ đến mỗi, còn đâu ta cả”, bảo ngay thế. Ối chao, em đâu có tranh hơn tranh thua, an phận là hơn. Cái đêm thành đàn bà chả tủi hổ đau đớn quá nhưng không nồng nàn. Hùng hục, nhễ nhại, đầy mùi hồi hắc, ngoài những “thứ” đó ra, Chế Mân là người lành, vui tính. Chỉ là áo quần mặc vào thoắt cái đã ra nghiêm khắc kiêu bạc. Dẫu sao ta chờ đợi đến lượt, tháng sau, trở nên thuần thục, tận hưởng niềm vui chồng vợ chứ không còn thuần tuân phục. 

Rảnh rồi thì ra ngoài thăm thú lò gốm, chuồng trại, đền miếu. Lạ thay, tức cười thay, cả xứ đâu đâu cũng tạc đầy những giống của đực cái, đặt lên chỗ sạch sẽ thiêng liêng xì xụp. Đức vua là người chăm việc, đào mương dẫn nước về vùng cát, đóng thuyền dong biển xa, lo đủ cánh kiến, sa nhân, gỗ kiền kiền bán nơi nơi, mà không ngần nấy đã ối vợ khác. Ta chỏng chơ ra vào, vật vã với đòi hỏi trần tục, xấu hổ hé ra với đứa thị nữ đi theo tên là Xoan, nhưng nó chỉ biết làm khuây với chè kho đậu đãi, những món quê không cay nồng hay hắc đến hắt xì hơi. Ai khiến ta đương độ xuân thì chứ.

Buồn chán và đủ đầy. Rỗi hơi và chật hẹp khuôn khổ. Lồng lộn và chả biết mình muốn cái gì… Ngần nấy, thứ nào cũng dâng đến tột bực. Ngày là khuôn phép “mẫu nghi”, đêm bản thể điên cuồng, đầy năm chợt  đứt phựt. Chế Mân đang độ thế mà đi ngay không giãy giụa không từ biệt. Ta còn đang ngập ngừng giữa “ông ấy”, đấng quân vương và “chàng”, người tình thân thiện cơ mà. Nhưng chả kịp buồn chán với mất mát khi biết mình, cùng bầy “Yoni” (1) của ngài sẽ phải lên giàn hỏa. Tóm lại là ta sẽ chết thiêu trên đống củi, thịt đen dần, mỡ rỏ xèo xèo, xương trắng hếu vụn ra lẫn vào tro, xung quanh lầm rầm tiếng hát đưa tiễn. 

Nỗi sợ đau, sợ chết khiến cung tẩm lạnh lẽo. Bao nhiêu cô vợ ngần nấy nỗi đau mất chồng tẻo teo. Chưa chi đã phồng to, bỏng rát ngọn lửa. 

*

- Bẩm công chúa…

- Sao cứ công chúa, nghe mà ghét. Ta giờ là con đàn bà dở dang mà dở dang từ lúc chồng còn sống kìa. Mà so tuổi, ông còn đáng vai trên kia thôi kể đi.

- Nhậm mệnh vua đi cứu công chúa quên nàng khỏi lên giàn hỏa, ta đau đầu lắm, trên đường cứ phải u u. Rồi chia xẻ tang thương, dự phúng viếng, xin phép cho Vương hậu hai được ra bể vái lạy bài vị tổ tiên đặt trên thuyền, tất cả đều tốn vàng bạc và dẻo mỏ mưu mẹo. Lúc đó nàng chuẩn bị lên giàn hỏa tuẫn táng theo chồng, đã đánh thuốc cho mê man còn biết gì, cũng có cái tiện cho ta tự tung tự tác. Thuyền nhẹ gặp gió cả, lá buồm đại có chữ “Trần” thốt nhiên bung ra, người Chiêm trở tay không kịp. Gớm, hương liệu họ tẩm lên người nàng mới nức chứ, chắc để khỏi giống món chả nướng há há.

Khắc Chân cười thành tiếng, câu bỡn cợt hiếm hoi bất chợt phì ra làm vợi sự buồn tẻ. Ngày thứ nhì trên biển, niềm vui sổ lồng bị phong cảnh phẳng lỳ, lặp đi lặp lại, mặt trời cả ngày chói lọi nó choán mất. Nên chi trò chuyện, cật vấn, cười đùa được thì càng tốt. 

- Sao lại là ông?

- Nàng hỏi ta đúng câu cắc cớ mà cũng dễ trả lời nhất. Năm ngoái vua Chiêm đòi cưới nàng, đất Ô Lý đã nhận về chả có nhẽ nào từ chối, mà trăm quan đều muốn lật. Chỉ ta cùng Văn Túc vương Trần Đạo Tái và vài người nữa bảo có nhẽ đâu thế, Thượng hoàng ưng theo. Vì cái sự ra đi của nàng, ta nghe câu hát xót thương cứ rấm rứt đêm đêm, nghe tin dữ bèn xin đi cứu.

- Chứ không phải do ông được cử đi do từng lớn mật sang trại quân Nguyên đối đáp với tướng Ô Mã Nhi, vãn hồi được thế trận, lúc nó đuổi giết vẫn khéo léo thoát về, rồi được cải từ họ Đỗ sang họ vua a… Thế hát làm sao? 

- Nước non ngàn dặm ra đi/ Mối tình chi/ Đượm màu son phấn/ Đền nợ Ô, Lý/ Xót thay vì/ Đương độ xuân thì. Câu Nam Bình này nó cấu véo ta, rằng ta đẩy nàng đi là tội rất lớn. Tội với xuân thì thì phải giả. Liều lĩnh, lừa lọc nó quen rồi, thêm phen nữa cho mình khỏi hành hạ mình cũng là phải.

Ta lặng người, chăm chăm nhìn Khắc Chung. Gương mặt phong trần rất đàn ông, đuôi mắt hoắm trũng nhòe nhoẹt chân chim, bao nhiêu từng trải mà còn nhói chỗ mỏng manh. Cơn gió cả lại bị cái lá bé teo níu lại cơ đấy. “Vậy đón ta về, ông không nghĩ bang giao Chiêm – Việt tổn hại, triều ta lại chia rẽ, bên người họ bảo bên ta tham lam giảo hoạt, binh đao sẽ nổi lên a?”.

- Nàng hỏi vậy ta biết trả lời thế nào.

- Rồi ra ta sẽ làm sao? Ông nữa, ông có nghĩ trước tính trước được gì? 

- Nàng hỏi con thuyền này chứ.

*

Thuyền chật, bất tiện hóa ra mênh mông. Chở tự do nó thế. Như là hai đàn bà tắm táp, vệ sinh như ăn trộm, khẽ khàng để róc rách thầm kín bớt hành hạ “kẻ kia”. Nhìn những cái nhìn chả biết để vào đâu rất đau thương, nhất là nó lại đậu trên mặt quan Hành khiển. Xoan bị trước tiên, với Phơm, cái thằng trên cột buồm hôm nào. Đêm trăng trong ngần, nhựa người nhễ nhãi chả biết là đẹp hay là xấu. Mùi đực cái nồng nã, ta nhìn sang khoang bên kia, Khắc Chung méo xẹo, cằm rớm máu. Bèn với sang “Ông làm thế này này”, lấy tay bưng kín hai tai.

Những đêm dài cuồn cuộn, tang tảng, Xoan mò vào sương lạnh má nóng. Sáng ra Phơm dúi dụi, leo cột buồm ngã phịch. Khắc Chân mắt sâu má trũng, râu chòm nham nhở. Ta có phong lưu hơn gì. Chỉ cánh trạo phu chèo chống cả ngày đêm ngáy pho pho là tỉnh táo. 

Đảo cô tịch mà có nước ngọt, dừa lũng lẵng, cam đỏ ối chua rùng mình. Ta dầm chân trong suối mát, bắt gặp Khắc Chung quay mặt. “Không phải vặt râu cho đau. Lại đây, cạnh em”, ta ra lời tự nhiên. 

- Vương hậu, công chúa điện hạ, thần nghĩ ta phải giữ lễ.

- Lễ lãi gì nữa, trời đất đẹp thế này. Ông biết vì sao tộc Trần ngày trước định rằng chỉ được lấy trong tôn thất không, dù là cô cháu, anh em họ cũng được… Đã đành để khỏi sớt máu mủ tức là sẻ quyền lực sang giống khác, còn là ban xưa các cụ chung đụng trên thuyền ngày ăn con mực tươi cá thu cá đé nhảy phăm phắp đêm chịu thế nào. Chân em sước sát, chỗ này nữa…

Chàng sợ hãi, khổ sở, dần mạnh tợn “hái quả”, phủ lên ta những con sóng thô mãng, cường bạo. Trời tròng trành, dưới lưng đá trồi rớm máu, hoan lạc trộn đau đớn đều tột cùng. Rồi chợt tắt, xấu hổ vì ngắn ngủn. Nhưng ta mãn nguyện. Đâu có vừa như hổ sói ngấu nghiến lại vừa là đấng quân vương nghiêm khắc ban mưa móc. Nhìn cái cằm nham nhở, rớm máu lại có chút rơm rớm sao ta toàn phải đàn ông đáng tuổi cha mình, cha anh mình chồng mình sao lại quân vương…

Những hòn đảo, cái lớn cái nhỏ, chỗ an lành mời mọc chỗ cằn cỗi chỉ vài vũng nước mưa, đều lưu lại. Ta và Khắc Chung hối hả tìm nhau, khi lên thuyền làm mặt thớt lơ đi cái nhìn giết người của thủy thủ. Rồi một sáng ra lễ nhạc tưng bừng, đoàn thuyền nhẹ của quan viên trấn Sơn Nam Hạ ra rước công chúa điện hạ thoát nạn trở về. Trong cờ xí rợp trời, Khắc Chung đứng xa thủ phận, râu mọc lại lưa thưa. 

*

“Con gái đã về ta đáng phải mừng, nhưng Yên Tử còn bộn Phật sự thôi cầm cái vòng ngọc này”, Thượng hoàng như rất vội.

“Không sơ sẩy, trông còn đậm đà ròn rã hơn đấy. Nhưng người về ắt người Chiêm tức giận, nhỡ ra binh đao kéo theo chà chà quốc sự. Căn ấp trên thượng du và trại mới khẩn mé sông, trẫm cho em chọn”, vua anh hậu hỹ. 

“Bẩm… Nàng ơi, thần muôn sợ hãi”, Khắc Chung lý nhí. Ta giận: “A, râu đã lưa thưa oai hùng hơn rồi”, nhưng chàng đã lui xa. Chỉ mẹ là trọn vẹn, bao bọc ta như lúc mới rứt cơn đau đẻ, nghẹn ngào sờ nắn mình mẩy. “Lấy chồng theo chồng, chồng chết phải theo, có đâu như này”, thầy dậy vua anh nghiêm khắc rứt ta ra. Trăm quan đều lạnh lẽo, khó hiểu dù giữ lễ nghiêm cẩn. Ta có thực ấp, được hầu hạ đến nơi nhưng quá người dưng. Con cái Xoan bị đầy đi đâu đâu không ai đôi hồi, “lệnh bà” hóa ra trơ trụi trong lụa là lộng lẫy. Ta đã đem thân đánh đổi đất đai cho Đại Việt cơ mà, sao lại thừa ra, hắt đi như đồ hủi? Sao lời cảm ơn ta tỏ ra như làm cái việc chẳng đặng đừng. “Có gì phải xấu hổ, các người nói rõ đi”, tiếng ta hú dại trong đêm, ai ai đều điếc chỉ một câu quăng lại “đừng, xin đừng, chỉ mèo cái động đực mới rên vậy”. Lại cu Sứt ra múa may “Thuyền nát vớt lên trơ củi mục ối a là ỉ ì i, chi bằng chi bằng là cho nó tình bằng”. Điên!

Kíp khi ta sắp phát rồ muốn trở lại cô đảo ngoài biển, Thượng hoàng liền bảo: “Thân làm con gái họ Trần không thoát được đâu. Đất Phật mênh mông sao con chẳng ở”. Khoan thai, từ tốn vậy là đức tin vững chãi lắm. Tựa vào đấy, ta gọt tóc bận nâu sồng, xuất gia lên chùa Trâu Sơn bên Kinh Bắc, chuông mõ đều đặn ra vào lủi thủi. Khổ là tâm vẫn máy động, yêu Phật mà không yêu sư, đức trụ trì lại gửi về chùa Hổ Sơn dưới Thiên Bản vùng Sơn Nam Hạ. Xa xôi, tống đi cho khuất mắt muốn làm loạn gì thì làm chứ gì, để cho trên này yên.

Người chép lại chuyện này không rõ dưới Nam, ni cô Hương Tràng tức Huyền Trân công chúa tu hành ra sao. Chỉ biết chục năm trước đến chùa Hổ Sơn thấy phòng sư ông có dàn máy tính mới, bên ngoài vãi già vung chổi quét sân mồm léo xéo chửi vãi trẻ “mất nết”. q

.

 -----------------

(1) Vật thờ tượng trưng bộ phận sinh dục nữ của người Chăm