Phòng Nông nghiệp Khánh Sơn cho biết, chuối là một trong những cây trồng chủ lực tại Khánh Sơn. Hiện nay, toàn huyện có trên 1.000 ha chuối, hàng năm cho sản lượng khoảng 10.000 tấn, chủ yếu là chuối mốc (chuối sứ). Từ dịp Tết đến giữa năm nay, chuối ở Khánh Sơn bị tồn đọng nhiều, giá rất thấp nhưng vẫn không bán được. Mọi năm, giá chuối từ 3.000đ/kg đến 4.000đ/kg, lúc thấp nhất năm nay chỉ được 1.500đ/kg – 1.600đ/kg, hiện nay giá có khá hơn, nhưng cũng chỉ 1.800đ - 2.000đ/kg. Ở những nơi xa xôi, giao thông khó khăn như hai xã Sơn Lâm và Thành Sơn, giá chuối còn thấp hơn nữa. Chị Cao Thị Hồng, người dân tộc Raglay ở thôn Ko Róa (Sơn Lâm) nói, mỗi trái chuối không đến 100 đồng. Giá quá thấp nên bà con cứ để chuối chín rục trên cây. “Tôi mua bán chuối gần mười năm, chưa bao giờ thấy giá chuối thấp thê thảm, chuối bị bỏ trên rẫy cho bò ăn như năm nay”. Chị Bùi Thị Thu Hằng, thôn Liên Hòa (Sơn Bình, Khánh Sơn) nói.
Theo ông Ngô Hữu Giác, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, bà con trồng theo phong trào, trong khi đầu ra của cây chuối chưa ổn định. Tại Khánh Sơn chưa có một cơ sở chế biến chuối nào, nên khi chuối bị tồn đọng càng dễ bị ép giá. Việc chuối ế và giá thấp ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, đến công tác xóa đói giảm nghèo. UBND huyện đang chỉ đạo tìm thị trường, đầu mối tiêu thụ chuối bền vững hơn.
Trong khi đó, việc trồng chuối được cho là một trong những nguyên nhân gây sạt lở ta-luy, làm ách tắc giao thông trên Tỉnh lộ 9 (TL9), tuyến giao thông độc đạo của Khánh Sơn. Ông Ngô Hữu Giác cho biết, có khoảng 250 ha rừng phòng hộ ở khu vực đèo Khánh Sơn bị bà con chặt phá để trồng chuối. Trong đó có nhiều nơi, chuối được trồng ngay trên mái ta-luy TL9 làm nước ngấm vào đất, gây mất ổn định và sạt lở ta-luy. Nguy hại nhất là những vạt chuối ở ta-luy âm, vì khi ta-tuy âm bị sạt, mặt đường cũng sạt luôn, khôi phục rất khó và mất thời gian. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Khánh Sơn đang chỉ đạo thu hồi đất để khôi phục rừng phòng hộ. Nhà nước sẽ hỗ trợ thiệt hại công trình kiến trúc, cây trồng, vật nuôi… trên đất thu hồi, đồng thời cung cấp giống, kinh phí cho bà con trồng lại và chăm sóc rừng phòng hộ. Tuy nhiên, việc này cần có sự phối hợp của UBND huyện Cam Lâm, vì phần lớn diện tích rừng phòng hộ bị lấn chiếm và các cung đường TL 9 bị sạt lở thuộc xã Cam Phước Tây (Cam Lâm). Hiện nay, sự phối hợp khôi phục rừng phòng hộ ven TL9 phía Cam Lâm chưa thực sự khẩn trương, quyết liệt, trong khi mùa mưa đã đến, nguy cơ sạt lở tăng cao.
Trồng chuối tràn lan gây sạt lở đường. Đường tắc, chuối không bán được, bà con phá rừng trồng thứ cây khác. Lại thêm nguy cơ sạt lở đường. Vòng luẩn quẩn bao giờ hết?!