Những ngày vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về việc Đà Nẵng bỏ thi Ngoại ngữ, trong đó có những thông tin cho rằng việc bỏ thi ngoại ngữ gắn với những “nghi vấn gian lận trong việc tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế” và có đề cập đến các bài thi tiếng Anh TOEFL cũng như đơn vị tổ chức thi bài thi này.
Tổ chức giáo dục IIG chính là đơn vị tổ chức bài thi cho rằng IIG không tổ chức đào tạo tại Đà Nẵng, không cam kết kết quả thi và điểm số cho học sinh với bất kỳ giáo viên hay trung tâm ngoại ngữ nào.
IIG tổ chức các bài thi Tiếng Anh Quốc tế đều sử dụng bài thi TOEFL Quốc tế của Hoa Kỳ. Việc tổ chức thi tuân thủ theo tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình, quy định kiểm soát nghiêm ngặt của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ. Đội ngũ giám thị được đào tạo và nắm rõ quy định, cam kết về tổ chức thi.
Các bài thi TOEFL chỉ là một trong những bài thi được Sở GD&ĐT Đà Nẵng lựa chọn. Ngoài TOEFL còn có các bài thi khác: PET, KET, FCE của Cambridge hay IELTS của IDP, Hội đồng Anh (British Council), việc lựa chọn bài thi nào để được tính điểm quy đổi môn tiếng Anh là do học sinh tự quyết định.
Theo IIG, Bài thi TOEFL Junior và TOEFL ITP là bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh nên có thang điểm từ thấp đến cao, mọi thí sinh dự thi đều có phiếu điểm phản ánh năng lực của thí sinh thể hiện qua bài thi. Việc đánh giá đạt hay không đạt, quy đổi sang thang điểm 10 như thế nào phụ thuộc vào chuẩn do đơn vị sử dụng kết quả đưa ra, trong trường hợp này là do Sở GD&ĐT Đà Nẵng quy định.
Nguyên nhân của vấn đề quy đổi từ kết quả thi chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế sang thang điểm 10 chưa hợp lý là do mức điểm bài thi Quốc tế mà Sở GD&ĐT Đà Nẵng chọn cho học sinh miễn thi và quy đổi đạt 9 điểm là quá thấp.
Trong khi Sở GD&ĐT Đà Nẵng dự định sử dụng quy đổi bài thi Quốc tế để miễn thi ngoại ngữ cho học sinh giỏi Tiếng Anh thì mức điểm được Sở lựa chọn để quy đổi đạt điểm 9 trong bài thi TOEFL Junior và TOEFL ITP là mức điểm mà học sinh học trung bình cũng có thể đạt được. Vì vậy việc áp dụng thang điểm quy đổi không hợp lý đã dẫn đến những bất hợp lý trên thực tế.
IIG cho biết, ngay khi Quyết định 2377 của Sở ban hành có hai mức miễn thi (thêm mức miễn thi điểm 9), tổ chức cũng đã kiến nghị với Sở GD&ĐT Đà Nẵng về mức điểm quy đổi để miễn thi điểm 9 các bài thi Tiếng Anh Quốc tế chưa phù hợp, học sinh trình độ Trung bình trải qua 4 năm học Tiếng Anh ở nhà trường đều có thể đạt được và cảnh báo trước việc này sẽ gây ra sự mất công bằng trong thi cử.
Trên thực tế, nếu tính theo mức chuẩn IIG đã kiến nghị với Sở GD&ĐT Đà Nẵng thì với hai bài thi TOEFL Junior và TOEFL ITP tổng số học sinh nộp phiếu điểm đáng lẽ bị loại sẽ là 671 em (chiếm tới gần 40%) so với chuẩn của Sở đã áp dụng. Riêng trường THCS Lê Anh Xuân được đề cập trong các thông tin được đăng tải trên báo chí vừa qua, số trường hợp đáng lẽ bị loại là 61/68 em (loại đi 89,7%) so với chuẩn mà Sở đã đưa ra.
Năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng áp dụng chủ trương cho phép học sinh lớp 9 có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi môn Ngoại ngữ và được quy đổi thành điểm 9-10 cho kỳ thi vào lớp 10. Nhiều em tìm đến trung tâm ngoại ngữ học và thi được chứng chỉ.
Tuy nhiên ngày 15/5, chính quyền Đà Nẵng bất ngờ thông báo bỏ thi và xét tuyển môn tiếng Anh. Học sinh chỉ còn thi hai môn Ngữ Văn và Toán, theo đề xuất của ngành Sở Giáo dục và đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, giải thích trong hơn 2.300 em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì 40% học lực môn ngoại ngữ lớp 9 chỉ trung bình và khá; gần 30 em học yếu. Các trường top trên lại ít học sinh có chứng chỉ quốc tế hơn trường xếp cuối bảng.