Các tuyến đường mới được dựng hàng rào sắt là Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Nghiêm Xuân Yêm, Lê Văn Lương - Tố Hữu, Giải Phóng, Ngọc Hồi… Các hàng rào này được dựng trên mép vỉa hè tiếp giáp với lòng đường, cao khoảng 50 cm, kéo dài hàng trăm mét.
Tại đường Nghiêm Xuân Yêm, hàng rào chạy dọc vỉa hè đoạn từ tòa nhà CT2 khu đô thị Bắc Linh Đàm đến hết Cầu Dậu, dài khoảng 300 mét. Từ vỉa hè có mặt cắt ngang rộng từ 3 đến 5 mét, người đi bộ dễ dàng tiếp cận thì nay bị hàng rào sắt quây kín. Để đi lên được vỉa hè ở đây, người dân phải đến những điểm mở có chiều rộng ngang khoảng 50cm. Do khó tiếp cận vỉa hè nên nhiều người đi bộ đã đi dưới lòng đường.
Trên tuyến đường Phạm Hùng đoạn qua bến xe Mỹ Đình, Hồ Tùng Mậu đoạn qua đại học Thương mại, vỉa hè bị hàng rào sắt đóng cứng. 17h, trên đường Hồ Tùng Mậu, thời điểm học sinh, sinh viên tan trường, lượng người tràn xuống lòng đường tăng đột biến trong khi vỉa hè vẫn còn trống, do khó tiếp cận với điểm đỗ xe buýt hoặc người nhà đến đón bất chấp lưu lượng ô tô, xe máy đi lại đông đúc.
Chiều 17/2, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Ban Duy tu công trình hạ tầng giao thông (Ban Duy tu giao thông), Sở GTVT Hà Nội (đơn vị lắp đặt hàng rào sắt trên vỉa hè) cho biết, trên một số tuyến phố tại khu vực nội đô đang có tình trạng xe máy đi lên vỉa hè, gây mất trật tự giao thông, nhất là khu vực trước trường học, bến xe, nút giao thông có mật độ phương tiện lớn. Sau khi có ý kiến của một số đơn vị có liên quan, Ban Duy tu giao thông đã lắp đặt hàng rào sắt trên vỉa hè nhằm ngăn chặn người đi xe máy đi lên vỉa hè.
“Như vậy, không khác gì các cơ quan được giao nhiệm vụ là GTVT, CSGT không quản lý được thì dùng biện pháp cưỡng bức rào lại. Vỉa hè dựng hàng rào sắt để cấm xe máy đi lên, tôi chưa thấy ở đâu có cách quản lý, đảm bảo giao thông như vậy cả”.
Ông Thân Văn Thanh
Sử dụng vỉa hè phải theo cơ chế mở
Đề cập đến số lượng các vị trí vỉa hè đang được dựng hàng rào sắt, Ban Duy tu giao thông cho biết, hiện có 4 vị trí trên các tuyến phố Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nghiêm Xuân Yêm, Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu. Riêng Lê Văn Lương - Tố Hữu đã dựng từ cách đây 1 năm và cho thấy rõ hiệu quả khi xe máy tham gia giao thông tại nút Tố Hữu- Trung Văn không còn tình trạng leo lên vỉa hè. Các vị trí còn lại vừa được nhân rộng sau hiệu quả của việc dựng hàng rào sắt tại vỉa hè đường Tố Hữu.
PGS.TS Bùi Xuân Cậy, Giảng viên Đại học GTVT cho biết, vỉa hè được thiết kế xây dựng để phục vụ người đi bộ, đây là một trong các hạng mục chính của một công trình giao thông, do vậy khi được đưa vào sử dụng vỉa hè phải được xem như là công trình giao thông, không ai được phép xâm phạm, làm thay đổi chức năng. Đánh giá việc vỉa hè trên một số tuyến phố Hà Nội vừa được dựng hàng rào sắt để ngăn cản xe máy, PGS.TS Bùi Xuân Cậy cho rằng: vừa làm mất chức năng của vỉa hè vừa sai thiết kế.
Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu ý kiến: ngoài chức năng phục vụ giao thông, vỉa hè còn là bộ mặt đô thị, do vậy quản lý, sử dụng vỉa hè cũng phải theo cơ chế mở, không thể dựng hàng rào “khóa” lại.