> Nghệ sĩ nhớ Trọng Khôi
> “Mùa hạ cuối cùng” của Chí Trung
“Nói đến kịch Lưu Quang Vũ, ai chẳng muốn dựng”, đạo diễn Tú Mai mở lời. Bà nhắc chuyện vô duyên với tác phẩm Lưu Quang Vũ, cả lần nhà viết kịch tài hoa hứa sau chuyến đi ấy sẽ viết hẳn một vở mới cho bạn. Hồn Trương Ba da hàng thịt là vở thứ hai, sau Nguồn sáng trong đời Tú Mai được trải nghiệm với các nhân vật của Lưu Quang Vũ.
Làm mới một vở cũ, kinh điển, quá thành công chắc nhiều áp lực? “Không thể nói trước điều gì, tôi chỉ cố hết sức. Với tôi vượt lên bản dựng của thầy Đình Nghi không có nghĩa làm sao giỏi hơn. Cái chính mình có được khán giả của mình, thế là thành công”, đạo diễn nói.
Khán giả thời nay có gu khác, nhận định vấn đề xã hội khác đi. Với Tú Mai, Hồn Trương Ba da hàng thịt là một trong số vở vĩnh cửu- viết về Thiện-Ác. Lưu Quang Vũ mượn nghề nghiệp anh hàng thịt để bộc lộ chất xác thịt, vật chất. Đó chính là biểu tượng cho một số bệnh tật của xã hội. Phần hồn của Trương Ba được đặt cạnh, là biểu tượng cho sự khoan dung, yêu thương, đức độ. Tâm hồn đẹp không thể tồn tại trong cái xác phàm, không thể thỏa hiệp với cái xấu.
Không còn Trọng Khôi đóng đinh với hồn Trương Ba, đạo diễn chọn Nguyễn Anh Dũng, giám đốc cũ của Nhà hát kịch VN. Dự kiến đầu tháng 9 vở ra mắt, vừa kịp dự Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ.
Anh Dũng không có được thân hình màu mỡ như NSND Trọng Khôi. Đạo diễn trấn an, nào phải anh đồ tể nào cũng to béo. Quan trọng là tìm được sắc thái, cá tính của anh hàng thịt, có gì khác người bình thường. Đạo diễn nói, không thể sao chép từ vở cũ. Lãnh đạo nhà hát cũng quan niệm dựng lại vở, chỉ giữ lại hồn cốt, đạo diễn và ê kíp mới mặc sức sáng tạo.
“Đi tìm một diễn viên mình thỏa mãn thực sự, không có. Thế nhưng tôi tin ở thế hệ diễn viên từng làm việc với tôi. Nguyễn Anh Dũng là diễn viên nhiều cá tính, nhiều sắc thái. Tôi từng đóng với anh nhiều vở. Anh ấy cũng đóng vai chính trong một số vở của tôi như Trái tim Luizi, Ca sĩ đười ươi, Matsu kẻ sống ngoài vòng pháp luật, thỏa mãn được hình tượng nhân vật”.
“Làm vở này có rất nhiều cách đột phá. Nhưng tôi không muốn kỹ thuật hóa. Trí tuệ, thú vị nhưng đừng chạy theo chủ nghĩa kỹ thuật, màu mè. Anh Vũ viết vở kịch rất giản dị. Thầy Đình Nghi trước đây cũng làm hoàn toàn giản dị”, đạo diễn thẳng thắn.
Bà lại thở dài. Thời trước điều kiện không cho phép thật, bây giờ vẫn vậy. Đơn cử, đạo diễn đòi hỏi hiệu quả ánh sáng trên trời-dưới đất phải có sự khác biệt. “Có mỗi điều cỏn con ấy mà cũng khó. Tôi thích bùng nổ cũng chả chắc được. Giờ chỉ còn dùng cái tâm, sáng tạo của mình trong điều kiện khó khăn cho phép. Đâu phải thích làm gì cũng được, nên mọi người cũng đừng mơ mộng quá. Nhưng làm gì thì làm, đây vẫn phải là kịch của Lưu Quang Vũ. Không thể khác được”, đạo diễn chia sẻ.
“Không sợ bị so với Trọng Khôi”
|
NSƯT Anh Dũng nhận lời vào vai hồn Trương Ba sau thời gian khúc mắc với nhà hát khi anh ngồi ghế quản lý. “Nhiều người thắc mắc sao nhận lời làm vở cho nhà hát. Hơn 40 năm ở nhà hát, bây giờ cảm giác của tôi rất thoải mái, thanh thản. Mọi cấn cá trước đây tôi quên lâu rồi. Tôi nhớ mãi câu nói của chị Song Kim: Nếu có kiếp sau vẫn muốn trở thành diễn viên Nhà hát kịch
Việt Nam”, Anh Dũng nói.
Còn về vai diễn, ai cũng băn khoăn anh vượt qua cái bóng của NSND Trọng Khôi ra sao? “Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Anh ấy mất rồi, chẳng còn gì so được nữa. Anh Trọng Khôi là anh Trọng Khôi, tôi là tôi. Tất nhiên tôi luôn coi anh là đàn anh, một người tài hoa. Tôi cũng rất thích cách thể hiện của anh ấy. Quan trọng nhất là tập trung thể hiện hồn cốt của nhân vật”, anh nói.