Theo ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội, ngoài lý do an toàn, nhất là sau vụ Formosa, thì tổng mức đầu tư dự án hiện cũng đã tăng gần gấp đôi (từ 200 nghìn tỷ đồng lên gần 400 nghìn tỷ) nên tính khả thi của dự án không còn nữa.
Không dừng còn nguy hiểm hơn
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét dừng xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là tình huống bất khả kháng, do những diễn biến, thay đổi trong bối cảnh chung của quốc tế, cũng như những yêu cầu của đất nước về phát triển bền vững. “Lúc này rất cần có một quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về việc dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để có bước đi đảm bảo sự phát triển của đất nước bền vững hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
“Tôi cho rằng, đề xuất dừng dự án là sự dũng cảm của Chính phủ. Còn trách nhiệm như thế nào thì phải chịu, chứ nếu lúc này không dám đứng ra đề xuất, cứ để mọi việc diễn ra thì sau này còn nguy hiểm nữa”.
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN &MT của Quốc hội
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội cũng cho rằng, việc dừng dự án lúc này là hết sức cần thiết, tránh gây thiệt hại nhiều hơn. Theo ông Tịnh, báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, tổng mức đầu tư dự án tăng quá cao. Nếu như khi Quốc hội thông qua (năm 2009), tổng mức đầu tư chỉ là 200.000 tỷ đồng thì giờ đã tới gần 400.000 tỷ đồng. Giá điện khi quyết định đầu tư chỉ có 4 cent- 4,5 cent/kwh nhưng giờ có thể lên đến gần 8 cent/kwh. “Có sự đội giá như vậy vì sau khi sự cố Fukushima ở Nhật Bản, chúng ta đưa ra yêu cầu là phải sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, an toàn. Như thế thì đương nhiên giá thành bị đẩy cao lên. Mình đặt mục tiêu an toàn lên quá cao thì tổng mức đầu tư phải lên”, ông Tịnh giải thích.
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN & MT của Quốc hội.
Ngoài ra, theo ông Tịnh, sau vụ Formosa thì yếu tố rủi ro, mất an toàn cũng là vấn đề được quan tâm khi xây dựng dự án điện hạt nhân, nhất là việc giải quyết chất thải hạt nhân, xử lý môi trường, trong khi công nghệ giải quyết không phải dễ. “Qua vụ Formosa vừa qua thì chúng ta càng phải thận trọng. Chúng ta dừng dự án ở thời điểm này là đúng lúc, cần thiết phải dừng”, ông Tịnh nói.
“Dừng càng sớm càng tốt chứ để đầu tư thêm, khi nhập thiết bị về nữa thì càng nguy hiểm nữa, lúc đó mới quyết không làm nữa thì tốn kém gấp bội”.
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN &MT của Quốc hội.
Một lý do nữa cũng được ông Tịnh nêu ra là tình hình biển Đông, vì khi ban hành Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án, chúng ta chưa lường hết. Vị trí dự kiến xây dựng dự án điện ở Ninh Thuận lại rất gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp giáp với khu vực chiến lược mà nhiều người rất quan tâm.
Từ những nguyên nhân trên, ông Tịnh cho biết, Ủy ban KH, CN&MT đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. “Dừng càng sớm càng tốt chứ để đầu tư thêm, khi nhập thiết bị về nữa thì càng nguy hiểm nữa”, ông Tịnh nói.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Đầu tư nhiều tỷ đồng, xử lý hệ quả ra sao?
Trả lời về việc đã tiêu tốn nhiều tỷ đồng cho việc chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy, nay việc dừng dự án thì sẽ xử lý vấn đề đó ra sao, ông Tịnh cho biết, dừng lúc này là phù hợp, chứ nếu tiếp tục làm còn tiêu tốn hơn nữa.
“Lúc này rất cần có một quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về việc dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để có bước đi đảm bảo sự phát triển của đất nước bền vững hơn”.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, để chuẩn bị xây dựng dự án điện hạt nhân, chúng ta đã chuẩn bị rất đồng bộ nhiều mặt, từ đào tạo, chuẩn bị đầu tư, xây dựng hạ tầng… Do đó, để giải quyết hệ lụy xảy ra khi dừng xây dựng điện hạt nhân, Chính phủ đã nghiên cứu toàn diện, có biện pháp cụ thể.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt cho biết, địa phương đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để bàn giải pháp xử lý một số vấn đề liên quan, nếu Quốc hội đồng ý dừng thực hiện dự án điện hạt nhân. EVN cũng đã tính toán triển khai các dự án khác tại một số khu vực đã đầu tư, có thể là điện khí, điện mặt trời, điện gió. Cũng theo ông Việt, để chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân thì Quốc hội, Chính phủ đã quyết định đầu tư tuyến đường ven biển Ninh Thuận, rồi tái khởi động dự án hồ Tân Mỹ (trên 200 triệu m3) để phục vụ dự án. Nay nếu không làm dự án hạt nhân nữa thì những dự án này vẫn phát huy rất tốt cho Ninh Thuận. Đường ven biển sẽ kết nối các xã ven biển, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tốt hơn. Còn hồ Tân Mỹ thì giải quyết vấn đề khô hạn của tỉnh.“Tỉnh Ninh Thuận vẫn đề nghị Trung ương đầu tư cho 10 dự án thành phần trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, gồm hai dự án di dân tái định cư (thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, Thuận Nam), để sắp xếp dân cư phòng tác hại của thiên tai”, ông Bắc Việt nói.
Về việc giải quyết cho các con em đang theo học về điện hạt nhân ở nước ngoài, ông Việt cho biết, hôm qua lãnh đạo EVN và lãnh đạo tỉnh có làm việc, các du học sinh này khi học xong sẽ được bố trí vào làm việc tại nhà máy điện, chương trình dự án, ban quản lý dự án của EVN. Tỉnh đã đề nghị với Chính phủ tạo điều kiện tốt nhất cho các em du học sinh người Ninh Thuận yên tâm học tại nước ngoài theo chương trình đã định. Nguồn ngân sách cho các em học, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ phải đảm bảo cho các em đến khi ra trường. Nói tóm lại là các em có thể yên tâm tiếp tục học tập và không phải lo lắng đầu ra, cho dù dự án điện hạt nhân đang xem xét để dừng.“Thực tế là các em được gửi đi học để chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân không chỉ là con em của Ninh Thuận mà cả nhiều tỉnh thành khác, cho nên tỉnh đã đề nghị và chắc chắn Chính phủ sẽ đảm bảo quyền lợi cho các em”, ông Việt cho hay.
Điện hạt nhân không phải tương lai của loài người
TS Tô Văn Trường nói với PV Tiền Phong như vậy và cho biết, ngay từ tháng 4/2015 ông đã nêu vấn đề Việt Nam cần cẩn trọng với điện hạt nhân. Theo ông, với trình độ công nghệ hiện nay, việc sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện vấp phải hai vấn đề lớn về kỹ thuật gồm đảm bảo an toàn cho lò phản ứng và kỹ thuật xử lý chất thải. Một lò phản ứng có tuổi thọ 50 – 60 năm, nhưng cũng mất từng ấy năm để tháo gỡ, xử lý chất thải và môi trường.
TS Trường cho biết thêm, nhận thức về hữu ích điện hạt nhân cũng đang thay đổi trên thế giới. Cộng hoà Liên bang Đức hay Nhật Bản đi đến nhận thức rằng điện hạt nhân không phải là tương lai của loài người. Các nước đang có điện hạt nhân cũng phải nghĩ tới tái cơ cấu tỷ lệ điện hạt nhân. Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia ngừng việc xây dựng một cơ sở điện hạt nhân do dân chúng phản đối trong khi Philippines hủy bỏ nhà máy điện hạt nhân trị giá 2 tỷ USD xây dựng năm 1984.
“Điện hạt nhân rất đắt. Đó chính là lý do mà hơn 30 năm nay nước Mỹ không xây nhà máy điện hạt nhân nào khi giá điện than và gas còn rẻ”, TS Trường nói.
Nguyễn Hoài