Qua 2 ngày thi đấu đầu tiên, chúng ta đã giành được 1 HCV, 2 HCB và 4 HCĐ. Ông cảm thấy ấn tượng nhất đối với thành tích của VĐV nào?
Tôi cho rằng đến thời điểm hiện tại, Thạch Kim Tuấn là VĐV xuất sắc nhất, dù chỉ giành HCB. Tại sao tôi lại nhận định như vậy?
Thứ nhất, độ tuổi 20 của Kim Tuấn là rất trẻ ở môn cử tạ. Thành tích 294kg tổng cử dù chỉ giúp Kim Tuấn đoạt HCB nhưng đã vào bậc cao nhất trong vòng hơn 10 năm nay, sau kỷ lục 305kg tổng cử của VĐV Halil Mutlu người Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong 10 năm qua, những nhà vô địch Olympic và thế giới như Long Qing Quan (Trung Quốc) hay Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên) cũng chỉ ở mức tạ 289kg-293kg. Thành tích 134kg cử giật của Kim Tuấn cũng rất xuất sắc, phá kỷ lục châu lục.
Ở giải thế giới, cử tạ có 3 nội dung huy chương: cử giật, cử đẩy và tổng cử. Nhưng đấu trường ASIAD chỉ tính tổng cử để tranh huy chương. Như vậy nếu ở giải thế giới, Kim Tuấn đã có HCV rồi. Kim Tuấn chỉ giành HCB vì Om Yun Chol thực hiện nội dung cử đẩy quá giỏi. Anh ta vượt lên qua Kim Tuấn tới 10kg.
Trước ASIAD, ông có đặt niềm tin vào các nội dung nào của Việt Nam hay không?
Có 3 nội dung. Đầu tiên chính là cử tạ của Thạch Kim Tuấn. Hai là Karatedo của Nguyễn Hoàng Ngân, và 3 là bắn súng của Hoàng Xuân Vinh. Tuy nhiên, Xuân Vinh thì hiện đã thua rồi.
Ở ASIAD 2010, Xuân Vinh từng vuột HCV ở loạt đạn cuối, và lần này lại không thành công. Trong khi anh vừa đoạt HCV ở giải VĐTG tại Mỹ cách đây chưa lâu?
Tôi từng theo dõi Xuân Vinh từ lâu nên cho rằng đây là vấn đề do áp lực tâm lý. Xuân Vinh chịu áp lực của người từng đoạt danh hiệu VĐTG, đứng đầu đội bắn súng. Một áp lực khác chính là kỳ vọng của chúng ta đặt vào anh, trong đó có tôi.
Với Hoàng Phương (HCB 50m súng ngắn tự chọn-pv), việc mất HCV là do chưa có kinh nghiệm. Xuân Vinh lại khác, anh nặng trách nhiệm của 1 VĐV già dặn kinh nghiệm nhưng gánh trọng trách trên vai.
Có vẻ như tâm lý luôn là điểm yếu của các VĐV Việt Nam khi thi đấu ở những đấu trường lớn?
Tôi từng chứng kiến Mạnh Tường (xạ thủ Nguyễn Mạnh Tường-pv) khi tham dự ASIAD cũng từng nâng súng lên rồi hạ xuống vì nghĩ đến trọng trách.
Đó là vấn đề tâm lý. Việt Nam chưa có bác sĩ tâm lý cho các VĐV đỉnh cao, trong khi họ cần được chăm sóc để vượt qua stress. Hiện nay tất cả dồn lên vai HLV, từ kỹ chiến thuật cho đến vấn đề tâm lý. Chúng ta đã đến lúc cần có chuyên gia lo vấn đề này.
Không thấy ông nhắc đến Ánh Viên, trong khi đây là VĐV được nhắc đến nhiều nhất trước thềm ASIAD 17?
Tôi từng dùng từ “báu vật” để nói về Ánh Viên. Viên thực sự là báu vật của thể thao Việt Nam. Nhưng hệ thống huấn luyện để từ một VĐV trẻ vươn lên vô địch châu lục và thế giới cần thời gian 8-10 năm.
Ánh Viên trong khi đó mới chỉ có 3 năm rèn luyện ở Mỹ. Thời gian đó chưa đủ để Ánh Viên vươn lên đầu châu lục.
Trước ASIAD tôi từng trao đổi với HLV Đặng Anh Tuấn của Ánh Viên và anh ấy cũng đồng ý là mục tiêu đặt ra chỉ là phấn đấu có huy chương. Chuyện này cũng đã được anh Đinh Việt Hùng (TTK Hiệp hội TTDN Đinh Việt Hùng-pv) phát biểu trên truyền hình.
Chúng ta có thể hy vọng nhưng đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai Ánh Viên là quá sức. Ánh Viên tài năng, tiến bộ nhanh chóng nhưng ở các cự li sở trường của VĐV này như 200m, 400m hỗn hợp tập trung rất nhiều nhà vô địch. Họ có bản lĩnh rất lớn.
Ông đánh giá thế nào về HCV môn Wushu của VĐV Dương Thuý Vi?
Có người nói đây không phải môn thuộc nội dung Olympic. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng ở đấu trường ASIAD, các VĐV của chúng ta sẽ phải đối diện với các nhà vô địch châu lục, thế giới, đương kim hoặc nguyên vô địch.
Riêng Trung Quốc đã có khoảng 30 nhà vô địch Olympic rồi, vô địch châu Á khoảng 20 người. Tổng cộng các quốc gia thì có khoảng 500 người như vậy, chưa kể tầm HCB và HCĐ thêm 1.000 VĐV nữa.
Cuộc đua tranh là vô cùng khốc liệt. Chính vì thế về chiến lược phát triển thể thao chúng ta cần tập trung vào các môn Olympic, nhưng ở đại hội thì bất kỳ HCV nào cũng đáng trân trọng. Nó góp phần để cờ Tổ quốc của chúng ta được kéo lên, thành tích trên bảng xếp hạng thăng tiến. HCV của Thúy Vi danh giá, rất đáng để chúng ta tự hào.
Chúng ta còn có thể trông chờ vào những nội dung nào thưa ông?
Tôi hy vọng chứ không tin tưởng. Như tôi nói ở trên, đó có thể là Hoàng Ngân, nhưng cũng có đôi phần phân vân. Hoàng Ngân trên đấu trường đã có tuổi, không còn trẻ nữa và lại nhiều lần bị chấn thương. Nhưng dù sao Hoàng Ngân cũng có hy vọng lớn hơn. Các môn khác như Taekwondo, hoặc thậm chí điền kinh, hy vọng chỉ 40-50%.
Cảm ơn ông!