Đừng biến sinh viên thành robot

TPO - Công nghệ thông tin rất đặc thù nhưng phải “đào tạo thế nào để đừng biến sinh viên thành rô bốt trong khi sinh viên CNTT có thể biến rô bốt thành con người”. Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy, quản trị đại học, quản trị theo mục tiêu
Sinh viên cần được đào tạo trong môi trường thực tế

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi tọa đàm và Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp, tổ chức ngày 30/3 tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nền kinh tế đang chuyển sang số hóa, với nhiều thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen, trong đó, ICT ngày càng có vai trò, tác động lớn. Trong bối cảnh như vậy, vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường đã trở thành là nhu cầu tự thân.

“Các trường cung cấp nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nhìn nhà trường như các bạn hàng. Hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích, chịu áp lực nếu không hợp tác thì sẽ không tồn tại. Chỉ khi nào áp lực và động lực song hành thì khi đó sẽ có sự gắn kết bền vững”, ông Nhạ nói.

Dẫn một khảo sát, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường, chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại. Vấn đề đặt ra là các nhà trường phải đào tạo thế nào, doanh nghiệp thế nào, có nên chỉ là cho học bổng không?

“Vấn đề ở đây phải đi từ chương trình đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo từ nhu cầu của thị trường, có tính đến thay đổi khoa học công nghệ. Các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ chứ chỉ đưa ra những gì mình có thì sẽ khó thành công”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã nắm theo doanh nghiệp quyết định sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình thì doanh nghiệp đã tham gia với nhà trường để thiết kế sản phẩm hay chưa hay hai đối tượng này vẫn rất xa nhau, vẫn đổ lỗi cho nhau? Đã đến lúc tuy 2 mà 1.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở đào tạo gắn kết đào tạo chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.

Từ kinh nghiệm của nhà trường, PGS. Võ Đình Bảy, Trưởng khoa CNTT, trường Đại học Công nghệ Tp.HCM (HUTECH), cho biết, doanh nghiệp và nhà trường rõ ràng cần sự gắn kết. Trong đó, doanh nghiệp mong muốn nhà trường đào tạo theo nhu cầu xã hội, vậy, doanh nghiệp phải cung cấp nhu cầu để trường đại học điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, tham gia vào quá trình đào tạo. “Chúng tôi thường nói rằng, trước đây, doanh nghiệp muốn “đánh bắt”nhưng bây giờ phải “nuôi trồng” chứ không chỉ đánh bắt không”, ông Bảy nói.