Đức Gyalwang Drukpa nhấn mạnh, Đức Phật là bậc giác ngộ chân lý, giáo pháp của Phật là Pháp Bảo. Những bậc thực hành giáo pháp, đạt được chứng ngộ là Tăng Bảo. “Khi cầu nguyện, quy y Tam Bảo, chúng ta tưởng nhớ những phẩm chất tốt đẹp đó...”.
Đức Gyalwang Drukpa nói: “Để đạt được những phẩm chất tốt đẹp đó, chúng ta cần nỗ lực học tập trưởng dưỡng, rèn luyện bản thân. Nhiều người, sau khi gặp tôi, cho rằng việc kiếm tiền, công việc hằng ngày không còn quan trọng. Đây là ngộ nhận. Nền tảng cuộc sống của ta là nỗ lực, rèn luyện bản thân để trở nên tốt đẹp hơn. Tôi và chư tăng, ni cũng phải rèn luyện, tu học rất nhiều. Tôi thậm chí không có thời gian để ngủ…”.
Thời đại công nghệ thông tin với các thiết bị điện tử khiến con người càng xao lãng thực hành tâm linh. Xin ngài đưa ra giải pháp?
Công nghệ thông tin hoàn toàn không có lỗi mà cần được định hướng phục vụ tâm linh, khiến tâm ta tìm được hạnh phúc chân thật. Chúng ta không tránh được xu hướng này và cũng không cần né tránh, mà cần đón đầu, làm lợi lạc cho thực hành tâm linh.
Mấu chốt thực hành tâm linh trong đời sống hằng ngày là gì thưa ngài?
Biết chấp nhận là điều vô cùng quan trọng. Bạn cần biết tri ân việc mình có đủ đôi mắt để nhìn. Nếu một ngày, đôi mắt bạn không nhìn được nữa, bạn cần biết chấp nhận và hài lòng vì còn vô số điều tốt đẹp khác mà cuộc sống dành tặng bạn như đôi chân để đi, miệng để giao tiếp, bạn vẫn có thể ăn uống, vệ sinh bình thường. Những điều đó là kỳ diệu. Vì vậy, khi rèn tâm biết trân trọng, chấp nhận cũng đi đôi. Trân trọng những gì mình có, chấp nhận những gì mình mất là hai tâm thế bạn cần trưởng dưỡng trong thực hành tâm linh. Từ đó, bạn vững vàng đương đầu với bệnh tật và cái chết.
Nếu thực sự hiểu được bản chất cái chết ta sẽ không sợ hãi. Chết chỉ là một tiến trình. Chúng ta liên tục già đi và đến một lúc nào đó cần xả bỏ thân già nua, bệnh tật để bước sang một hành trình mới… Nếu thấu hiểu như vậy, coi cái chết là một cơ hội, một tiến trình hạnh phúc.
“Hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà do chính bạn tạo nên từ những gì mình đang có. Hạnh phúc không đến từ việc tập trung vào và trách than về những gì mình không có. Làm như vậy sẽ khiến chúng ta phải khổ đau. Tài sản và sự giàu có chân thật chính là đôi mắt, bàn tay, khả năng suy nghĩ, nói cười… tất cả đều không thể dùng tiền mua được.
Ðể biết trân trọng, tri ân, ta cũng cần rèn luyện. Ví dụ ta có đôi mắt để nhìn, đôi chân để đi, miệng để nói được với mọi người. Ta cần biết trân trọng tất cả những điều đó. Con đường thực hành tâm linh còn là rèn luyện để biết chấp nhận. Khi đã biết chấp nhận, chúng ta sẽ hài lòng, khi hài lòng ta sẽ đạt được hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau”.
Ðức Gyalwang Drukpa
Người Việt có phong tục đi chùa đầu năm cầu may. Điều này có đúng với giáo pháp Đức Phật? Việc nên làm dịp đầu năm là gì?
Cúng lễ ngày đầu năm chỉ là một nét văn hóa chứ không thực sự là tâm linh. Tôi không phản đối văn hóa nhưng chúng ta phải hiểu được sự khác biệt giữa văn hóa và tâm linh. Chúng ta không thể gọi việc đi lễ đầu năm là văn hóa Phật giáo. Đấy thực ra là văn hóa của Việt Nam, của Trung Quốc, của Ấn Độ hay Nepal, v.v…
Nếu điều đó làm bạn hạnh phúc, bạn cứ thực hiện. Nhưng đó không phải thực hành tâm linh. Một số người còn đốt vàng mã. Nếu đem đốt tiền thật thì vô cùng xót của, nên họ mới làm tiền giả để đốt. Tôi không thể nói điều này là đúng hay sai. Thay vì đốt vàng mã, bạn nên dành thời gian làm điều thiện, giúp đỡ mọi người tại bệnh viện, trường học… Bố thí trong tháng đầu năm chính là thực hành Phật pháp, giúp bạn tích lũy công đức.
Đốt vàng mã, dâng sao giải hạn được coi là trái với luật nhân quả trong Phật pháp. Còn trì chân ngôn, tham gia Pháp hội… thì sao, thưa Ngài?
Luật nhân quả không nằm ngoài hành động, việc làm của bạn. Đó là quy luật phổ quát của vũ trụ. Đơn giản là, nếu bạn làm điều tốt bạn sẽ nhận về kết quả tốt. Nếu bạn làm điều xấu thì sẽ nhận về kết quả xấu. Khi bạn dự Pháp hội, trì chân ngôn với tâm hướng thiện, làm những điều tốt cho cuộc đời, bạn sẽ nhận được kết quả tốt đẹp. Đốt vàng mã chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho mọi người.
Có ý kiến cho rằng một số chùa ngày nay không còn là nơi phù hợp cho thực hành tâm linh. Vậy phải chăng không cần đến chùa nữa?
Việt Nam là nơi có sự hòa nhập, pha trộn văn hóa và tôn giáo vào trong tâm linh. Nhưng tôn trọng và chấp nhận không có nghĩa bạn phải tuân theo một cách bảo thủ, cứng nhắc. Chẳng hạn, ở chỗ cần cởi giầy, hãy cởi giầy. Ở chỗ cần mang giầy, hãy mang giầy. Đừng bám chấp vào những điều này mà cần thấu hiểu để hành xử đúng đắn với tâm cởi mở. Đó chính là thực hành tâm linh.
Nhiều người trong chúng ta bị kẹt mắc trong những nhãn mác tôn giáo. Điều này khiến mọi thứ trở nên khó khăn, khi người khác nhìn vào cũng sẽ mệt mỏi, cảm thấy không thể theo được. Phật giáo thực chất không phải là tôn giáo, mà là cách thức để trưởng dưỡng, phát triển cuộc sống để mỗi chúng ta trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Đây là cốt tủy của đạo Phật, của những gì Đức Phật đã thuyết giảng. Đó là tâm linh chứ không phải tôn giáo, không phải thờ cúng hay nghi lễ.