Theo anh, đây sẽ là những công trình thu hút khách du lịch đến với Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo tác giả dự án, việc này có thể tôn vinh giá trị kiến trúc làng quê Việt Nam và giúp các thế hệ mai sau, bạn bè quốc tế thêm hiểu biết về một nét văn hóa Việt Nam.
Thành phố của những cổng làng?
Hà Nội là nơi trăm miền hội tụ, nơi giao lưu quốc tế, do đó việc dựng các Cổng làng Việt truyền thống ở Hà Nội có một ý nghĩa văn hóa. Theo khảo sát của tác giả dự án, việc xây dựng Cổng Việt ở cửa ngõ ra vào Hà Nội đảm bảo nguyên tắc không tác động đến không gian giao thông đô thị hiện đại, kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại. Anh đặt những cái tên rất dân dã như cổng Đoài, cổng Xoan, cổng Mây, cổng Chỉ Quan, cổng Kinh Bắc...
Các cổng này sẽ được đặt tại trung tâm vòng xuyến ngã ba Cầu Chui (quận Long Biên), tại khu vực ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), tại vòng xuyến Cầu Giấy nơi giao nhau giữa đường Kim Mã - Đường Láng – Cầu Giấy (quận Ba Đình), tại giao cắt đường Phạm Văn Đồng với đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy).
Ngoài ra có thể chọn thêm một vài vị trí khác để xây dựng thêm nếu xét thấy thích hợp về hướng vào Hà Nội và không gian giao thông đô thị như: Vòng xuyến nơi giao nhau giữa đường Khuất Duy Tiến với đường Trần Duy Hưng... Tác giả Trọng Văn hy vọng sau này Hà Nội sẽ được mệnh danh là “Thành phố của những Cổng làng”.
Có khả thi?
Việc đảm bảo kiến trúc Cổng Việt phù hợp với không gian giao thông đô thị Hà Nội, phù hợp với không gian kiến trúc đang ngày một hiện đại của Hà Nội là một vấn đề vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, tác giả Trọng Văn dường như chưa quan tâm thích đáng đến chuyện này.
Khá lạc quan, theo tác giả dự án này, việc xây dựng các Cổng Việt không phải tiến hành giải phóng mặt bằng, mà dựa vào mặt bằng thực tế tại các vị trí đã chọn. Cổng sẽ được xây dựng theo dạng lắp ghép nên ít ảnh hưởng đến vấn đề giao thông hàng ngày ở Hà Nội.
Thời gian xây dựng không dài nên đảm bảo đúng dịp chào đón Thủ đô 1000 năm tuổi. Kinh phí xây dựng do xã hội hóa nên không phải điều chỉnh ngân sách, giá thành xây dựng không nhiều nên dễ huy động. Tác giả Trọng Văn hy vọng, ý tưởng này của mình sẽ nhận được sự ủng hộ của UBND thành phố Hà Nội cũng như mọi người dân Hà Nội và cả nước, đặc biệt là các nhà đầu tư. Anh cũng bày tỏ, mong muốn được các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực góp ý, tư vấn thêm cho dự án này.
|
Ảnh minh họa |
Ngoài ý tưởng Cổng Việt, nhà thơ Nguyễn Trọng Văn còn đưa ra ý tưởng xây dựng Bức tường danh nhân. Đây sẽ là pho sử ngoài trời để các thế hệ Việt Nam đến đó tôn vinh, tri ân và noi theo những người con ưu tú của dân tộc.
Những tấm bia lưu danh những người con ưu tú của dân tộc sẽ được đặt lên trên bức tường Thành cổ trên đường Hoàng Diệu, đối diện với Đài tưởng niệm liệt sỹ trên đường Bắc Sơn, liên kết với Cụm quần thể di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long- Thành cổ Hà Nội- Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình.