Đưa âm nhạc đỉnh cao đến với đại chúng

TP - Liên hoan Nghệ thuật giao hưởng, nhạc - vũ kịch “Giai điệu mùa thu” 2022 không chỉ là đại tiệc âm nhạc dành cho người yêu âm nhạc đỉnh cao, mà còn là cơ hội để loại hình nghệ thuật hàn lâm đến với công chúng.

Liên hoan diễn ra từ 10 đến 17/9, tại TPHCM, do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức và tham gia thực hiện của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch Thành phố (HBSO) và Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh Thành phố với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Liên hoan “Giai điệu mùa thu” với mục tiêu ban đầu là giới thiệu các tài năng âm nhạc trẻ tại TPHCM. Nhưng qua thời gian, liên hoan dần trở thành sự kiện lớn, quy tụ đông đảo các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. Liên hoan do Sở VH-TT tổ chức định kỳ 2 năm một lần và bắt đầu từ năm 2005. Qua 12 lần tổ chức, liên hoan đã trở thành hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của TPHCM, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố đến bạn bè quốc tế và tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa.

Trong 8 ngày tổ chức liên hoan, “Giai điệu mùa thu” đem tới cho khán giả một chuỗi chương trình đa dạng, phong phú, gồm những buổi hòa nhạc với những tác phẩm của những tên tuổi lớn trong lịch sử âm nhạc thế giới như G.Puccini, G.Rossini, D.Donizetti, W.A.Mozart, G.Verdi... hay các chuyên đề nhạc phim, về các nhà soạn nhạc vỹ đại như L.v.Beethoven, Nikolai Rimsky- Korsakov…. Song hành với các tác phẩm đỉnh cao thế giới còn có những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đã in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ công chúng Việt Nam như: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Khát vọng, Thành phố tôi yêu, Giai điệu tổ quốc, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Tổ quốc gọi tên mình... Cùng sự tham gia của nhiều nghệ sỹ trong và ngoài nước như Yury Rostotsky (Nga), Konstantin Brzhinsky (Nga), NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Bùi Công Duy, Nguyễn Trinh Hương và các nhạc trưởng Lê Hà My, Trần Nhật Minh….

Vở diễn “Kiều” tại Liên hoan

Ngoài các buổi hòa nhạc, “Giai điệu mùa thu” còn đem tới cho khán giả những vở nhạc kịch - Vũ kịch như Carmina Burana của nhà soạn nhạc người Đức Carl Orff; vở Kiều, từng đoạt giải Xuất sắc tại Liên hoan Ca múa Nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc 2022. Bên cạnh đó, “Giai điệu mùa thu” còn tổ chức hai buổi tọa đàm về âm nhạc và múa nhằm cung cấp những kiến thức, những góc nhìn mới về các loại hình nghệ thuật này và phương hướng để đưa các bộ môn nghệ thuật hàn lâm này tới với công chúng.

Theo nhạc trưởng-NSƯT Trần Vương Thạch, nguyên Giám đốc HBSO, sự trở lại của Liên hoan “Giai điệu mùa thu” 2022 sau một thời gian tạm ngừng vì dịch bệnh là một dấu mốc rất quan trọng của âm nhạc hàn lâm tại TPHCM. “Trong những năm vừa qua, nhạc giao hưởng - vũ kịch - thính phòng tại TPHCM đã có những bước tiến đáng kể khi ngày càng có nhiều chương trình được dàn dựng, nhiều nghệ sỹ có tên tuổi của Việt Nam và cả trên thế giới cũng tham gia trong các chương trình. Với chương trình đa dạng và phong phú như “Giai điệu mùa thu” lần này, chúng tôi tin rằng liên hoan năm nay mang đến cho công chúng nhiều trải nghiệm nghệ thuật đáng nhớ”, NSƯT Trần Vương Thạch cho biết.

Luôn kín khán giả

Khác biệt của Liên hoan “Giai điệu mùa thu” năm nay là các chương trình biểu diễn không bán vé. Theo BTC, ngoài tiếp tục đưa loại hình nghệ thuật hàn lâm trở thành hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của thành phố, liên hoan lần này còn nhắm đến mục tiêu tiếp cận gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó còn nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trong nước giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn với các nghệ sĩ quốc tế. Ngoài ra, thông qua liên hoan để tạo cơ hội quảng bá hình ảnh TPHCM đến bạn bè quốc tế và tăng cường giao lưu văn hóa, góp phần phát triển du lịch.

Chính vì thế, các đêm diễn tại Nhà hát Thành phố luôn kín khán giả, thậm chí BTC còn phát hành vé bổ sung, kê thêm ghế phụ cho các buổi diễn nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. “Chúng tôi rất vui vì khán giả đã lấp đầy những đêm diễn. Với vai trò là người nghệ sỹ, điều quan tâm nhất của chúng tôi là được dành hết tâm huyết cho các tiết mục biểu diễn để nhằm thông qua âm nhạc góp phần nâng cao thẩm mỹ về văn hóa, nghệ thuật của công chúng, đặc biệt ở giới trẻ. Việc mở rộng khán phòng cho khán giả tham dự là cơ hội để giới nghệ sỹ chúng tôi tiếp cận được nhiều hơn và tìm nhiều hơn những khán giả yêu thích âm nhạc hàn lâm”, Nhạc trưởng Trần Nhật Minh nói.

Còn ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM khẳng định liên hoan nghệ thuật giao hưởng, nhạc vũ kịch “Giai điệu mùa thu” là một hoạt động đã trở thành nét văn hóa, là điểm nhấn trong đời sống tinh thần của người dân thành phố và là một thương hiệu nghệ thuật được mong đợi đối với công chúng TPHCM. “Hy vọng rằng qua liên hoan lần này, “Giai điệu mùa thu” sẽ có một bước phát triển mới, trở thành hoạt động thường niên với các chương trình ngày càng phong phú, đa dạng hơn để từng bước nâng tầm nghệ thuật hàn lâm của thành phố”, ông Thuận nói.