Dụ 'thượng đế' chơi… đuổi hình bắt chữ?

TP - MV nào của Bảo Anh cũng đạt ngưỡng “max xinh”. Đó là điều không cần bàn cãi. Song chỉ nhan sắc không làm nên bão view. Chính vì vậy, mỗi một lần trở lại với sản phẩm âm nhạc mới, Bảo Anh lại tung ra một “chiêu” mới.
Bảo Anh thực hiện vũ đạo với dao trong phòng treo đầy cá

Lần trước, với “Như lời đồn”, gây nên những tranh cãi quanh tiêu đề ca khúc gợi ý nghĩ tục, Bảo Anh đã nhắc nhở: “Đề nghị các bạn trẻ ngưng đọc lái tên bài hát dưới mọi hình thức”. “Như lời đồn” hay, dở còn phải bàn, song ngay từ đầu đã “tạo bão” bằng cách ấy (cho dù nhân vật chính khẳng định, cô không tạo “chiêu” mà là “nạn nhân” của những người có ý nghĩ đen tối, cố tình xuyên tạc tiêu đề bài hát).

Đến sản phẩm mới “Ai cần ai?”, kẻ khó tính cũng không thể tìm ra lời lẽ phản cảm nào từ tiêu đề đến lời bài hát. Bảo Anh cùng ê-kíp tránh con đường cũ. Để thu hút khán giả, họ dụ “thượng đế” cùng chơi trò đuổi hình, bắt chữ. Hình ảnh chủ đạo trong MV là cá và dao. Ngoài ra, còn có phụ trợ như cam, ngựa…

Với “Ai cần ai” có lẽ Bảo Anh nên tranh thủ xác lập kỷ lục: Ca sỹ Việt đầu tiên thực hiện vũ đạo với dao sắc nhọn trong căn phòng treo đầy cá? Không bỏ quên lợi thế hình thể, Bảo Anh khoe thân hình gợi cảm trong trang phục phóng khoáng, để lộ khoảng lưng trần có mũi dao nhọn cắm vào.

Bảo Anh giải thích: “Hình tượng con dao đâm sau lưng cô gái đại diện cho vết thương khi bị người yêu phản bội. Cô gái luôn mang vết thương trên mình trong toàn bộ MV vì phụ nữ thường không thể quên được nỗi đau trong tình yêu”. Cô phản đối những ai cho rằng: Hình ảnh mang tính bạo lực, ghê rợn. Lý do: Cô cùng ê-kip hoàn toàn không muốn đưa tới cho người xem cảm giác tiêu cực. Ngược lại muốn truyền thông điệp tích cực: Khi yêu hãy biết thứ tha, hãy sống hết mình song cũng cần tỉnh táo.

Không cần giải thích dài dòng như chủ nhân MV, chỉ cần nhìn thấy hình ảnh cô gái với tấm lưng trần bị dao đâm, cư dân mạng đã phát chung “tín hiệu”: “Đâm sau lưng”.  Những hình ảnh mang tính “đố vui” trong “Ai cần ai” đơn giản hơn nhiều so với trò “đuổi hình bắt chữ”  trong gameshow đình đám. Hai tay cô gái cầm hai con cá và hát “Nhìn anh kìa/ Bàn tay mong manh ghì níu em quay trở về/Và mong hai ta lại sánh đôi cùng ước thề/ Này anh, em đâu nhìn giống như một tên hề”.

Khán giả lập tức suy ra câu: “Bắt cá hai tay”. Còn hình ảnh trái cam xuất hiện trong MV khi thì một thúng, lúc một túi được Bảo Anh bưng hoặc vác trên vai, “thượng đế” “dịch” nghĩa: Cam chịu. “Cô ấy đã phải chịu đựng một gã đàn ông không xứng đáng bao lâu nay”, một khán giả viết. Câu “bám váy phụ nữ” được diễn tả bằng hình ảnh chàng trai cố gắng bám lấy đuôi váy cô gái, khiến cô kêu lên sợ hãi. Hình ảnh những con cá xuất hiện liên tục trong MV, theo như khán giả, chúng biểu thị cho sự dối trá, “cá tháng tư”.

Còn cảnh chàng trai đứng bên con ngựa, minh họa cho câu thành ngữ “Ngựa quen đường cũ”… Nhiều người đánh giá: MV ngập tràn những hình tượng ẩn dụ. Nói vậy, không chuẩn. Tự dưng “nâng điểm” cho người đẹp một cách thiếu công bằng.  Bảo Anh và ê-kip chỉ làm nhiệm vụ “tả thực” bề nổi của những câu thành ngữ, tính từ… quen thuộc trong đời sống hàng ngày.

Bảo Anh thể hiện sự “cam chịu”

Có người khen MV của Bảo Anh thâm thúy hơn bất kỳ ai. Nghe và xem là nghiền. Có người lại ngửi thấy “mùi Chi Pu” trong “Ai cần ai”... Trước lời khen, tiếng chê, Bảo Anh nói, đại ý: Cô còn trẻ, cô muốn thử nghiệm với cái mới, nếu không sẽ mất cơ hội vì “thanh xuân như một chén trà”.

Tất nhiên, Bảo Anh được quyền “làm những gì mình thích miễn là không ảnh hưởng đến ai” như cô nói. Song với một người làm nghệ thuật, nếu “tự sướng” với hình thức tả thực, diễn nôm lớp vỏ ngôn ngữ của thành ngữ, tính từ… quen thuộc, coi đó như kết quả của sáng tạo, của khám phá, thử nghiệm cái mới… thì nghệ sỹ trẻ đã quá dễ dãi với bản thân mình và phần nào coi thường sự đọc, hiểu của “thượng đế”.

Bảo Anh sáng tạo kiểu này, một số khán giả bình luận: Coi MV lúc nửa đêm tự dưng thèm bún cá ngừ đại dương, cũng đâu có gì lạ? Có người lại hiểu: Qua MV, Bảo Anh muốn truyền thông điệp, “Tôi thích cá ngừ”. Thế cũng đúng.