Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Hoành tráng nhưng ít khả thi

TP - Làm luật như “văn mẫu” dài, hoành tráng nhưng ít khả thi; quá tham vọng dẫn đến thất vọng…Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp về dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 13/4.
Tiêu chí về doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện cũng không sát với thực tế (Ảnh: Công nhân làm gốm tại làng gốm Phù Lãng). Ảnh: Ngọc Châu.

Làm luật như… văn mẫu

Ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam “xin” hội thảo vài phút để nói về… cảm xúc “buồn” khi đọc dự thảo luật. Ông cho rằng, đây là “bài văn mẫu”, mà người ta cứ làm cho có, dài, oai, hoành tráng, mà ít khả thi, ông Tuất nói: “Tôi nhớ tới đạo luật của Tổng thống Park Chung Hee ở thập niên 1960, đưa Hàn Quốc từ cô lọ lem thành nàng công chúa, chỉ với 8 chữ: “Cấm doanh nghiệp lớn làm chi tiết nhỏ”. Đi theo luật trên là danh sách 350 chi tiết nhỏ DN lớn không được làm, buộc phải chuyển giao cho DN nhỏ. Và chỉ sau 3 năm, Hàn Quốc xuất hiện hàng vạn DN nhỏ công nghệ cao…làm các chi tiết nhỏ, cung cấp cho Samsung, Hyundai, Deawoo.

Ông Tuất cũng lấy ví dụ về luật phát triển linh kiện điện tử, cơ khí của Nhật Bản những năm cuối thập niên 50 thế kỷ trước, chỉ có 3 trang, 7 điều nhưng cứu cả một nền sản xuất của Nhật… “Thưa các vị đại biểu Quốc hội, họ làm luật như vậy, còn làm Luật như bài văn thế này để có bài nộp cô giáo. Tôi cho rằng, bài văn này gần như không đáng chấm điểm” - ông Tuất nói.

Ông Tuất cũng chia sẻ, khi ông ngồi trên ô tô với một quan chức của Bộ KH&ĐT, ông đã phản đối dự thảo luật này, vì rất khó đi vào đời sống. Về tên luật, ông Tuất lo ngại về từ “hỗ trợ”, bởi tất cả các hiệp định thương mại song phương và đa phương đều tối kỵ từ này. “Các chính phủ khôn khéo, muốn hỗ trợ, họ phải giấu cái từ đó đi. Tôi không hiểu vì sao 500 đại biểu và cả các bộ lại thích hai từ “hỗ trợ” trong cuộc hội nhập vĩ đại này”- ông Tuất nói.

Theo ông Tuất, nếu buộc phải dùng từ “hỗ trợ”, luật sẽ bất cập nhiều điểm. Chủ thể hỗ trợ là Chính phủ, VCCI, các loại hiệp hội, UBND các tỉnh, thành phố…làm gì nhiều chủ thể đến thế! Luật có 7 “món” chính là hỗ trợ tín dụng, thuế, mặt bằng công nghệ, mở rộng thị trường… là quá nhiều, quá “lẩu” mà “lẩu” không dùng được. Thứ nữa, 7 “món” đó lại chiếu vào 7 luật chuyên ngành, làm sao luật này lại đè lên được 7 luật chuyên ngành như Luật Ngân hàng, Luật Đất đai được.

Đề nghị bỏ từ “hỗ trợ”, vì ông Tuất nói rằng, từ đó với những DN làm ăn chân chính, họ sẽ nghĩ mình đang bị xúc phạm. DNNVV họ đang muốn được kinh doanh một cách sòng phẳng, lịch sự và có nghĩa vụ với đất nước. Ông kiến nghị nên sửa thành Luật bảo vệ DNNVV, vì doanh nghiệp họ rất đàng hoàng. “Chính tôi cũng có DN nhỏ, bị hành rất nhiều…Bảo vệ để chúng tôi là người làm ăn chính đáng, hơn là nghĩ hỗ trợ mà không hỗ trợ được”- ông Tuất nói.

Đừng để phát sinh cơ chế xin - cho

Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết, qua 3 lần tham gia góp ý, lần này có một điều “mới lạ” là vai trò rất lớn của Hiệp hội DNNVV Việt Nam (Vinasme) xuất hiện tại điều 29 của dự thảo. “Không biết là phát sinh sáng tạo hay có ý lobby. VCCI là đại diện cho cả cộng đồng DN cả lớn và nhỏ ở Việt Nam, nhưng trong điều 29 lại có thêm ràng buộc là Vinasme và DN phải vào tổ chức này, được cấp chứng chỉ mới có thể được hưởng hỗ trợ”- ông Đệ nói.

Về điều luật trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, không nên gom DN về Vinasme, vì các hiệp hội ngành hàng là tự nguyện. Việc “đẻ” phần cấp chứng chỉ cho DNNVV của Vinasme chẳng khác nào như một loại giấy phép con, sinh ra cơ chế xin cho. Ông Giang cũng đặt vấn đề về tiêu chí DNNVV không quá 300 lao động, tổng vốn không quá 100 tỷ đồng, doanh thu không quá 300 tỷ đồng là không sát thực tế, cần chỉnh sửa. Theo ông, như lĩnh vực dệt may, có DN vốn chỉ 5-10 tỷ đồng, nhưng số lao động có thể lên hàng nghìn. Về vấn đề hỗ trợ tín dụng, ông Giang cho rằng, nếu Luật cứ “bổ” vào nguồn từ ngân sách “liệu có quá viển vông”.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cũng kiến nghị, nên bỏ loại thuế khoán-vốn tồn tại bất hợp lý lâu nay. “Thuế  khoán tạo ra một sự yên ổn cho hộ kinh doanh cá thể, không chịu “lớn” thành DN, tạo sự bất công với DN cùng ngành nghề. Một ông làm 3 tỷ đồng thì khai doanh thu, ít nhất ông phải đóng 100 triệu VAT đầu vào, chưa tính đầu ra; còn một ông làm 2 tỷ thì khai thuế khoán chỉ cần đóng 10 triệu”- ông Việt Anh nói.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, dự thảo này vẫn chưa mang lại sự hài lòng của cộng đồng DN, quá dài, tham vọng quá sẽ dẫn đến thất vọng. Quy định là phải cụ thể và khả thi, không để xảy ra khuynh hướng độc quyền, đẻ ra cơ chế xin cho, phình bộ máy…Dự  thảo luật này cần tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa trước khi trình Quốc hội thông qua.