Những vấn đề về dự thảo Luật Giáo dục Đại học được đại diện các trường góp ý tại hội nghị diễn ra trong hai ngày 19 và 20 - 4, ở Hà Nội, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.
Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
Góp ý về dự thảo Luật Giáo dục Đại học, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, điều 11 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học: ở Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 giao cho Bộ GD&ĐT quy định nhiệm vụ, quyền hạn của trường cao đẳng còn Thủ tướng Chính phủ quy định quyền hạn, nhiệm vụ của trường đại học, học viện.
Thực hiện theo phương án này, xét về thực tế áp dụng luật thì không cần biết đến quyền hạn, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học thể hiện trong luật, mà chỉ cần những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể từng loại trường quy định trong văn bản dưới luật. Như vậy, theo cách này thì luật vừa thừa, vừa thiếu.
GS, TS Trần Ngọc Đường, Viện nghiên cứu Lập pháp, cho rằng, dự thảo vẫn còn quy định chung chung, chưa đủ cụ thể để điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội trong tổ chức và hoạt động giáo dục đại học.
“Nhìn tổng thể của dự thảo luật chưa tìm thấy những điều luật thể hiện sâu đậm chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật Giáo dục Đại học, đặc biệt là các quan điểm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng nhu cầu xã hội; tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục chưa được thể hiện rõ nét...".
GS, TSKH Lê Du Phong cho rằng, trong luật nói về cơ sở giáo dục đại học thì cũng cần quy định rõ ở Việt Nam có những mô hình giáo dục đại học nào, điều kiện cụ thể để thành lập từng mô hình là gì. Bởi lẽ, nước ta đang tồn tại năm mô hình giáo dục đại học khác nhau: Đại học Quốc gia, đại học vùng, trường đại học, học viện và viện đại học.
“Ta chưa có một đánh giá cụ thể nào đối với năm mô hình này về sự thích hợp và hiệu quả của nó trong hoạt động, mà luật cứ quy định chung chung thì tôi lo rằng chúng ra không có bước tiến nào so với hiện tại”.
“Nóng” vấn đề tự chủ đại học
Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học là vấn đề “nóng”, được nhiều đại biểu quan tâm “mổ xẻ”.
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, về chủ trương, từ lâu đã nói đến tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà trường. Vấn đề bây giờ là mình phải đưa ra cơ chế cụ thể.
Ông Thi cho rằng, “đã là quyền tự chủ, thì phải gắn với chịu trách nhiệm, chứ không thể trao quyền rồi không chịu trách nhiệm... Quyền tự chủ ấy phải gắn với năng lực của cơ sở giáo dục đào tạo để thực hiện quyền tự chủ. Nếu không không quản lý được mà thực hiện tự chủ là làm hỏng việc.
Góp ý về quyền hạn của các cơ sở giáo dục đại học, tại khoản 2, điều 11 trong dự thảo Luật, GS Lê Du Phong cho rằng, Luật không nêu bật được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở công lập.
Theo GS Phong, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học phải được xác định rõ trên các mặt như tự chủ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tự chủ về công tác tổ chức và cán bộ; tự chủ về tài chính; tự chủ trong hợp tác quốc tế; tự chịu trách nhiệm.
Ông Đặng Bá Lãm (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho rằng, về tự chủ và trách nhiệm của các trường đại học, cần chi tiết hơn trong Luật giáo dục: “Các trường đại học cần được tự chủ và trách nhiệm trên các mặt điều hành và quản lý nhà trường; thu chi tài chính; nhân sự; tuyển sinh; Chương trình; đánh giá và cấp bằng đến tiến sĩ.
GS, TSKH Bành Tiến Long - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nên cân nhắc, không nên để Thủ tướng chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, kể cả cao đẳng, đại học và sau đại học mà giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trách nhiệm này.
“Giao các trường tự chịu trách nhiệm về việc mở ngành cao đẳng, đại học khi có đủ các điều kiện và chịu trách nhiệm về việc mở ngành đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ”.
Công- tư khác nhau
Theo GS Đào Trọng Thi, tự chủ ở trường tư thục khác với công lập. Các trường công lập có nhiều loại trường, trong đó, một số có năng lực quản lý tốt hơn như đại học, đại học trọng điểm, thì phải khác trường đại học thường. Nếu chúng ta chưa phân biệt được các trường khác nhau thì có nghĩa chưa thể ra được cơ chế tự chủ vì không có cơ chế chung cho tất cả các trường...
GS, TSKH Lê Du Phong cho rằng, giáo dục đại học, theo quy định trong Luật, có hai loại hình công lập và tư thục. Điểm khác nhau căn bản giữa chúng là chủ sở hữu: một bên là thuộc sở hữu toàn dân, bên khác là sở hữu của các cá nhân hoặc tập thể.
“Bởi vậy, tuy có những điểm chung như chương trình, nội dung giảng dạy, điều kiện vật chất bảo đảm để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học,... song nó cũng có nhiều điểm khác nhau, nhất là về nguồn lực tài chính, cách thức huy động và sử dụng nguồn lực tài chính. Do đó, luật cũng không thể quy định chung mọi thứ cho hai loại trường này như nhau được”- ông Phong lý giải.
Ông Đặng Bá Lãm (Đại học Giáo dục) nêu quan điểm, đại học tư cần quy định để phân biệt rõ giữa trường không vì lợi nhuận và trường khác. Trường không vì lợi nhuận thì không có cổ đông và cổ phần và chênh lệch thu chi được sử dụng vào mục đích chung mà không chia.