Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp (trừ đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng) cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, người sử dụng đất nông nghiệp cũng được phép sử dụng một tỷ lệ đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch.
Theo ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất lúa là nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này. Ngoài ra, cần cơ chế, điều kiện chặt chẽ đảm bảo người nông dân có đất sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, việc cho phép chuyển đổi một phần đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ phải có quy định rất cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng tổ chức nhận chuyển nhượng đất lợi dụng chính sách, biến đất nông nghiệp thành dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp gắn với nông nghiệp. Ngoài ra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong trường hợp này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp.
Bà Vân cũng cho rằng, Luật cho phép chuyển đổi một tỷ lệ đất nông nghiệp để xây dựng công trình nhưng quy định phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch. “Thực tế, khi chuyển đổi một phần đất nông nghiệp sang xây dựng công trình thì diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm. Như vậy, vấn đề đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp được hiểu như thế nào?”, bà Vân đặt vấn đề.
Với quy định mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bà Vân cho rằng, Luật cần phải có những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ về đối tượng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng và điều kiện được nhận chuyển nhượng để đảm bảo ổn định cuộc sống của nông dân, tránh tình trạng người dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, không có thu nhập sau khi chuyển nhượng đất cho tổ chức, cá nhân.
Xác định giá phù hợp để người bị thu hồi đất không chịu thiệt
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, các khiếu nại, khiếu kiện về đất đai chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, trong đó nguyên nhân chính là xác định giá đất. Thực tiễn cho thấy có 5 phương pháp định giá đất, áp dụng 5 phương pháp ra 5 giá khác nhau. Bà cho rằng, quy định trong dự thảo luật giảm tính khách quan khi thành phần thẩm định giá hầu hết là cơ quan quản lý, ít nhiều sẽ bị chi phối. Vì vậy, phải quy định rõ thành viên hội đồng thẩm định và vấn đề giám sát hội đồng.
TS Châu Hoàng Thân, Đại học Cần Thơ, cho rằng, việc xác định giá đất theo thị trường là vấn đề còn nhiều băn khoăn bởi cốt lõi chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về giá đất thị trường. “Nếu không có cơ sở dữ liệu giá đất trên thị trường thì không thể quản lý theo thị trường, nội dung dự thảo cần quy định thật rõ cơ chế thiết lập giá trên thị trường, coi đó là công cụ điều tiết giá đất”, TS Thân nói.
TS Thân đề xuất, dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế giải quyết tranh chấp khi đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện trong thu hồi đất. Trong khi đó, các quy định pháp luật hiện nay chưa giải quyết được xung đột về giá đất.
Ông Ngô Sách Thực cũng đặt vấn đề, cần quy định lại thành phần của hội đồng thẩm định giá đất, tính độc lập của cơ quan thẩm định giá đất và cơ chế kiểm soát khi cơ quan có thẩm quyền quyết định bảng giá đất. Bên cạnh đó, quy định về lộ trình bỏ khung giá đất.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, nhất là những nội dung liên quan đến vấn đề tài chính và định giá đất đai, về thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm đảm bảo mọi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất, đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi ích.
Góp ý vào việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại, bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ- pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre, nhận định, việc thu hồi đất để thực hiện khu đô thị được ghi trong Luật Đất đai năm 2013 đã mở ra việc phát triển đô thị. Tuy nhiên, tình trạng thu hồi đất để thực hiện các dự án này rất phức tạp.
Bà Bình nêu thực tế, ở những vùng người dân đã ổn định rồi nhưng lại “vẽ” ra một dự án đô thị là bị giải tỏa đền bù, nhà cửa của người dân phải di dời gây lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực về tài nguyên môi trường. Hay việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đô thị gây nguy cơ mất an ninh lương thực và nhiều vấn đề khác.
Bà Bình kiến nghị việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong dự thảo Luật cần cụ thể hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Đặc biệt, phải rõ tiêu chí, nguyên tắc và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo thẩm quyền quản lý đất đai.