Du lịch check in đã lỗi thời

TP - Kiểu du lịch check in, chụp ảnh và đăng facebook bây giờ được giới trẻ cho là “nhà giàu mới nổi”. Kiểu đi mới đang được lăng xê gồm ba cùng: ăn, ở, tìm hiểu văn hóa của dân bản địa!
Phương Thu Thủy trong trang phục truyền thống trong một lễ hội tôn giáo ở Bhutan.

Trẻ trâu mới cần check in”

Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 1990) bị rất nhiều người trẻ “mê du lịch” tẩy chay vì quá chảnh. Trung bình 20 lời mời kết bạn Hoàng mới nhận lời một người. Lý do ai cũng biết vì Hoàng đưa thẳng lên facebook: “tôi từ chối kết bạn với những người lấy lý do xê dịch chỉ để sống ảo. Tôi không bài xích sở thích của các bạn nhưng vì quan điểm của chúng ta khác nhau, nên tôi nghĩ tốt nhất là không tương tác. Đỡ mất thời gian bạn vào ném đá tôi, tôi tiết kiệm thời gian trả lời bạn!”.

Một điều kỳ lạ nữa, trong tất cả những bức ảnh về những nơi đã qua, Hoàng chưa từng đăng ảnh có mặt mình. Riêng việc này đã khiến nhiều người thắc mắc, có người còn nói thẳng: có thể Hoàng không hề đi nơi ấy, nơi nọ, chỉ load ảnh và thông tin trên mạng mà lắp vào. Trả lời câu hỏi này, Hoàng bảo: mọi người đi du lịch quan tâm đến mua sắm, chụp ảnh, cố gắng tìm đến những nơi mà truyền thông và người đi trước giới thiệu. Tôi ngược lại, chỉ quan tâm đến những địa điểm chưa bị du lịch khai phá, những bài học dọc đường đi, phong tục tập quán của người bản địa, thức ăn địa phương v.v… Có những chuyến đi tôi không mua bất cứ thứ gì, không chụp bất cứ kiểu ảnh nào. Đôi khi, không phụ thuộc vào máy ảnh, tôi nhớ tốt hơn. Đi là để trải nghiệm cho bản thân, thế nên tôi không cần ai đánh giá hay trầm trồ”!

Những người coi trọng trải nghiệm trong những chuyến đi ngày một nhiều lên. “Thần tượng” của họ gồm những cái tên: Trần Đặng Đăng Khoa, Đinh Hằng, Tuân cuồng chân (tên thật là Phạm Quang Tuân), Hoàng Lê Giang… già hơn chút có Du Già,  Vừ Già Pó v.v…

Nguyễn Thu Thủy (sinh năm 1995) cho biết: “Tôi sinh hoạt trên diễn đàn Phượt gần 4 năm, sau thấy phượt thành phong trào, rồi mọi người chả hiểu phượt là gì cũng cứ phượt kiểu a dua, vậy là thôi. Sau gặp được một nhóm chỉ chú trọng đi lấy chất, không lấy lượng, thế là tìm được rất nhiều bạn đồng hành. Thậm chí có chuyến đi Canada cũng chỉ có tôi và một bạn gái trong Sài Gòn. Tôi thạo tiếng Anh, bạn biết tiếng Pháp, hai đứa lang thang Canada sau qua châu Âu gần một tháng, trở về mọi người đều nhận xét: mày khác quá! Sự khác ấy tôi nghĩ không bởi vì mọi người thấy mình gầy đi, đen hơn mà bởi khả năng thích nghi của tôi “được nâng lên một tầm cao mới”. Nếu không đi, tôi nghĩ mình không thể nào thay đổi tích cực được như thế”!

Nguyễn Phương Chi (sinh năm 1997) bạn đồng hành của Thu Thủy nhận xét: “du lịch trải nghiệm có vẻ như một từ rất sáo nhưng nếu thực sự dấn thân, đều có thể học được nhiều điều. Những bài học đến ngay từ khi ta bước chân ra khỏi cửa và nếu cứ lặp lại vài lần, nó trở thành kỹ năng sống. Tôi thấy, ai mà có khả năng đi du lịch tự túc thì đều là người “chơi được”. Du lịch check in bây giờ chắc chỉ “trẻ trâu” mới làm”.

Còn sợ một mình còn chưa trưởng thành

Tiêu chí của những thành viên du lịch ba cùng, hay đơn giản gọi là du lịch trải nghiệm, đó là phần lớn chuyến đi đều tự túc và một mình.

Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Đi một mình tức là không có bất cứ ai bên cạnh để bấu víu, ngoài bản thân. Cho nên, tôi coi việc đi du lịch một mình là một nấc thang của trưởng thành. Nguyên việc bạn xác định xác ba lô và một mình đến vùng đất mới nó đã bao gồm tất cả: trách nhiệm của bạn, khả năng của bạn, tinh thần của bạn v.v… Nếu còn nói tôi cũng thích đi nhưng sợ lắm, vậy tức là bạn chưa đủ trưởng thành. Nếu cứ nhắm mắt đi bừa, cũng tức là bạn còn “trẻ trâu” lắm. Ngoài thế giới rộng lớn không người quen, không ai có thể bảo vệ bạn, kể cả Chúa, ngoài chính bản thân bạn”.

Lợi ích của việc du lịch một mình được Đinh Hằng, cô gái nổi tiếng với cuốn du ký nước Mỹ “Quá trẻ để chết” cho rằng: “Trong các chuyến đi, tôi luôn có thời gian để làm những điều tôi thích, đôi khi chỉ là ngồi đọc sách trong quán nhỏ, nằm ngủ trên đỉnh kim tự tháp, hay tắm nắng trên bãi biển… Đó là điều tôi thích nhất khi đi một mình: tôi chăm sóc cho bản thân mình trước tiên. Tôi chẳng phải nói chuyện với ai, lên kế hoạch cho ai, hoặc lo nghĩ xem người kia có thích hay không. Hơn cả những điều đó, đi một mình giúp tôi nhìn sâu hơn vào chính mình. Vì trên đường đi, sẽ luôn có những khoảnh khắc mà tôi tự hỏi bản thân xem mình là ai, mình muốn gì trên cuộc đời này, và mình thực sự quan tâm đến điều gì. Tôi nhận ra mình trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình qua mỗi chuyến đi.

Tất cả những tự do tôi có ngày hôm nay, tất cả những hành trình này, là bắt nguồn từ gần tám năm trước, từ chuyến đi rất nhỏ ngày ấy. Mọi hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ một bước chân. Vấn đề là bạn có dám bước bước chân ấy hay không mà thôi”.

Phương Thu Thủy, một người ưa du lịch bụi cũng vừa hoàn thành cuốn sách “Bước chân theo dấu mặt trời” (NXB Thế giới) đều lấy từ tư liệu những ngày một mình lang thang ở Ấn Độ. Thủy được Tuân Cuồng chân đánh giá: “Tôi hay gọi “bà này đi du lịch bằng niềm tin” chứ không phải đi bằng tiền. Đi Ấn, bà cứ thế đi một mình, chả biết gì cái đất nước được đồn thổi rất nhiều, ấy thế mà mỗi lần đi mấy tháng rồi lang thang hết chỗ này chỗ kia”.

Hỗ trợ cho những người chưa đủ đảm đang

Hiện nay, các công ty lữ hành hỗ trợ hành trình, tư vấn cung đường cho những chuyến đi bụi trở thành một xu hướng khởi nghiệp mới của nhiều người.

Anh Châu Thiên Ân mở ra Công ty du lịch Xứ Nẫu chỉ để chuyên thiết kế các tour du lịch mới đến những vùng biển đảo chưa được khai thác du lịch như Cù Lao Xanh (xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn). Do ở đây không có cơ sở lưu trú nên anh Ân phải liên hệ với những nhà dân, nhà văn hóa xã, nhà khách UBND xã Nhơn Châu... để cho khách nghỉ qua đêm. Điều kiện “hưởng thụ” rất hạn chế nhưng khách trẻ của anh Châu rất đông, bởi họ thích được khám phá cuộc sống nguyên bản của dân đảo khi chưa bị văn hóa ngoại lai xâm lăng.

Công ty của Huỳnh Quốc Huy, cựu sinh viên Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng TPHCM, lại lập ra từ những ca thiếu kinh nghiệm lẫn kỹ năng nên đã có nhiều chuyện không may xảy ra trong các chuyến phượt.

Dịch vụ của Huy bao gồm: dẫn đường, hướng dẫn các kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã, các dịch vụ ẩm thực đặc thù nơi hoang dã, dịch vụ cứu hộ cứu nạn, bảo hiểm du lịch, phương tiện di chuyển…

Nguyễn Đình Hiếu, một cái tên nổi tiếng ở Trung tâm sinh thái - văn hóa- lịch sử Chiến khu Đ lại chuyên về các tour rừng. Anh cho biết: “Dù thuần thục kỹ năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng chuyện một mình đi lạc, đói khát vài ngày trong rừng vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Do đó, khi công ty mở ra, lượng khách “thiếu đảm đang” vẫn đang tăng lên từng ngày. Từ đối tượng khách ban đầu chỉ là du học sinh và Việt kiều yêu thích tận hưởng thiên nhiên theo phong cách mới lạ, đến nay đã thu hút thêm rất đông nhân viên văn phòng và sinh viên tham gia”.

Một số công ty du lịch chuyên hỗ trợ các tour bụi ở nước ngoài cũng bắt đầu trở nên phổ biến. Nổi tiếng nhất hiện nay là Triip me. Thậm chí nhiều công ty lữ hành cổ điển cũng bắt đầu mở rộng sang dịch vụ này khi khách hàng đã chán những tour cũ được mặc định với các hành trình phổ biến nhắm đến những chỗ quá đông người.

Nguyễn Phương Chi cho rằng: “Dựa vào công ty du lịch khi bạn mới đi lần đầu hoặc khi không thạo tiếng hoặc còn lo lắng là cần thiết. Chỉ cần qua được chuyến đi đầu tiên, những chuyến đi sau này đều trở nên dễ dàng”.