Du học sinh làm thêm ở xứ chuột túi - phần hai

TPO - Học kỳ hai bắt đầu cũng là lúc tôi bắt tay vào công việc làm thêm thứ ba: trợ lý bác sỹ. Chức danh nghe rất oai đối với một người không có chuyên môn về y học như tôi.

> Kỳ trước

Công việc trợ lý bác sỹ đưa tôi đến rất nhiều nhà dưỡng lão quanh Melbourne, Úc.

Ông bác sỹ này tình cờ thuê trọ cùng nhà tôi ở. Tôi trò chuyện rồi may mắn ‘trúng tuyển’. Công việc của sếp tôi, một podiatrist (người chuyên điều trị các vấn đề về chân), gọi nôm na dễ hiểu là nghề "cắt móng chân cho các cụ già". Cùng với sếp, tôi đi khắp các nhà dưỡng lão quanh Melbourne và vùng ngoại ô. Có ngày, tôi phải di chuyển tới 70 km một lượt. Tuy nhiên, tôi thích lắm và không phàn nàn gì vì bản tính tôi thích "xê dịch" và thăm thú đó đây.

Trong suốt gần nửa năm gắn bó, tôi chưa thấy một yêu cầu phức tạp, vượt quá khả năng. Trong vai trò phụ tá, tôi chịu trách nhiệm ghi chép sổ sách giấy tờ, giúp đỡ bác sĩ trong quá trình thao tác và giúp đỡ các cụ già trong quá trình di chuyển.

Làm công việc này, tôi nhận ra mình thực sự yêu mến và có năng khiếu trong giao tiếp với người già. Vốn tiếng Anh của tôi cũng nhờ thế mà lên kha khá. Nếu bạn hỏi nói tiếng Anh trong hoàn cảnh nào khó nhất, tôi sẽ không ngần ngại đưa các cuộc trò chuyện với người cao tuổi như một ví dụ tiêu biểu.

Mặc dù tai không còn thính, giọng bắt đầu thều thào hoặc đãng trí nhưng các cụ rất thích nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm cuộc đời. Điều đó làm tôi cảm thấy vô cùng ấm lòng. Mỗi ngày đi học một sàng khôn, mỗi con người ta gặp lại là một hình dung mới mẻ.

Mùa hè nước Úc năm ấy, tôi quyết định chỉ về Việt Nam một tháng rồi quay lại tiếp tục đi làm thêm phục vụ kế hoạch du lịch "chinh phục thế giới". Tôi vốn ao ước làm phục vụ trong một quán café và bắt đầu tìm kiếm nhưng "tạm thời" thất bại.

Để được nhận vào làm bồi bàn, bạn sẽ ghi điểm đậm nếu bạn dắt túi chút ít kinh nghiệm. Lời khuyên của tôi là trước khi du học bạn nên hăng hái làm phục vụ trong một nhà hàng Việt Nam trước để có hình dung chung công việc. Bạn cũng có thể đăng ký học một khóa ngắn hạn về pha chế đồ uống hoặc sử dụng máy pha cà phê (các loại máy này rất phổ biến trong quán café ở Úc). Như thế, phần trăm bạn tìm được việc làm thêm loại này sẽ cao hơn nhiều. Dĩ nhiên, làm công việc gì ở đây cũng vậy, (trừ làm farm), vốn tiếng Anh của bạn cần phải tốt.

Tôi quyết định gắn bó học kỳ cuối cùng của mình trên đất Úc với công việc "dọn dẹp nhà dân" (house cleaning). Tôi không khuyên bạn thử công việc này trước ở Việt Nam vì khá vất vả và lương "bèo". Tuy nhiên, làm "dọn dẹp" ở Úc lại khá dễ chịu và lương ổn định ở mức từ 15 USD một giờ trở lên.

Tôi hăm hở liên lạc những địa chỉ tìm được trên mạng và đăng quảng cáo của mình chờ các chủ nhà liên hệ. Dù là "lính mới tò te" và bản thân ở nhà không phải đứa chăm chỉ lo toan nhà cửa, tôi vẫn tự tin tiếp thị mình có thể làm được rất nhiều việc một cách chỉn chu từ lau dọn nhà cửa, nhà tắm, trải giường, giặt giũ, là ủi, trông nom vườn tược, vân vân và vân vân. Nung nấu tìm chỗ làm gần nhà, tôi còn in tờ rơi rồi đi rải hòm thư từng nhà vùng lân cận.

Bạn đọc có thể chia sẻ những câu chuyện thú vị, kinh nghiệm du học hay những hình ảnh kỉ niệm khi học tập ở nước ngoài với Tiền Phong Online theo địa chỉ email: tienphongonline@gmail.com

Trời không phụ lòng người cố gắng, "đơn đặt hàng" của tôi ngày càng nhiều. Các chủ nhà tới tấp liên hệ công việc. Thường thì ở Úc, các nhà thường tìm người đến dọn dẹp một tuần một lần, mỗi lần khoảng ba tiếng. Tần suất làm việc có thể khác nhau tùy từng nhà theo khối lượng công việc. Bạn chỉ cần làm các công việc theo thoả thuận ban đầu, không nên sờ đến các bộ phận khác trong nhà không có trong hợp đồng. Đôi khi có công việc phát sinh, chủ nhà sẽ chủ động báo và trả thêm giờ công.

Tiền làm được để lại cho bạn trên bàn hoặc có thể chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng của bạn từng tuần. Thường thì các gia đình ở đây giao cho bạn một chiếc chìa khóa riêng và yêu cầu bạn đến làm khi họ vắng nhà. Sự tin tưởng dễ mến của người Úc khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên.

Từ chỗ việc gì cũng nhận, tôi dần dần qua quá trình chọn lọc để lên danh sách những nhà mình ưng ý nhất và thuận tiện đi lại nhất. Trung bình một tuần, tôi quản lý việc dọn dẹp của khoảng năm hộ gia đình, liên lạc thực hiện chủ yếu qua email. Công việc cho tôi sự chủ động hoàn toàn về thời gian. Đầu mỗi tuần, tôi xem xét lại lịch làm việc, học tập của mình rồi báo lại với các chủ nhà ngày đến làm cho thuận tiện nhất. Miễn là tôi xong việc trong khi chủ vắng nhà, tôi có thể tạt qua làm bất kỳ giờ nào.

Làm quen tay, tôi thành "dân chuyên nghiệp". Lúc này, tôi mới băn khoăn tự hỏi tại sao cũng cái nhà ấy, hồi trước mình làm xong trong ba tiếng (thậm chí có lúc còn phải bù giờ không công vì biết mình mới làm còn chậm) mà bây giờ chỉ hết hai đến hai tiếng rưỡi.

Tôi rất chịu khó viết thư thăm hỏi chủ nhà xem họ có góp ý gì không. Tiền rơi vãi trong nhà nhặt được, tôi đều xếp lại gọn gàng. Vì thế, tôi tạo được niềm tin tưởng đối với các chủ nhà. Nhờ thế mà kết thúc kỳ học, mặc dù tôi bỏ việc đi du lịch Châu Âu một tháng liền, chủ nhà nào cũng nhiệt tình chờ tôi về làm tiếp.

Cho đến khi về nước, tôi nhận được những lời chúc và món quà từ những người Úc vui tính tốt bụng, kèm theo lời cảm ơn vì đã giúp đỡ họ chăm nom nhà cửa suốt gần một năm qua.

Hoàng Anh
Cựu du học sinh Đại học Monash, Australia

Theo Viết