Chia sẻ với PV, anh G. một khách hàng mua nhà tại dự án Bright City cho biết, năm 2016, ngay khi biết tin Bright City trở thành nhà ở xã hội, anh đã đóng 500 triệu đồng là tiền tiết kiệm sau nhiều năm làm lụng vất vả để mua nhà ở đây. Chưa kể thời gian làm thủ tục, hồ sơ xin mua nhà ở xã hội cũng mất gần 2 tháng. Theo Hợp đồng mua bán anh G đã ký với chủ đầu tư (CĐT) thì thời gian bàn giao căn hộ là quý IV/2017, thế nhưng đến nay CĐT liên tục thất thất hứa, không bàn bàn giao nhà cho người mua.
“Khách hàng mua dự án Bright City đa phần là những người nghèo, có thu nhập thấp đang sinh sống tại Hà Nội và có nhu cầu về nhà ở thực sự. Bên cạnh việc đầu tư không bàn giao căn hộ, thông tin dự án chưa có bảo lãnh ngân hàng mà Sở Xây dựng đã duyệt hồ sơ cho người mua nhà. Vậy, trách nhiệm của Sở Xây dựng ở đâu?”, anh G đặt nghi vấn.
Điều đáng nói, theo a G., trong quá trình xây dựng, CĐT chậm tiến độ nhiều lần nhưng Sở Xây dựng lại không có một động thái gì về vấn đề đôn đốc CĐT trả nhà cho dân.
Khách hàng mua căn hộ Bright City đều phải nộp hồ sơ qua Sở Xây dựng và trên trang thông tin của Sở này đã công bố khách hàng đủ điều kiện mua sau khi thẩm duyệt.Theo quy định của pháp luật, nhà ở hình thành trong tương lai buộc phải có bảo lãnh của Ngân hàng. Thế nhưng, phía ngân hàng khẳng định Công ty AZ Thăng Long không nộp bảo lãnh cho dự án Bright City.
“Chúng tôi yêu cầu người có trách nhiệm, người đứng chính tại dự án Bright City ra trả lời cho người dân biết, trách nhiệm của của Sở Xây dựng trong việc này tới đâu?”, anh G. bức xúc.
Còn theo chị H. một khách hàng mua nhà tại đây cho biết, việc CĐT chậm trễ bàn giao căn hộ khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng mua bán nhà với Cty TNHH Bánh kẹo Thăng Long và hợp đồng vay vốn (gói 30.000 tỷ) với Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hà Nội. Bên cạnh đó, số tiền mà người mua nhà vay và phải trả lãi cho ngân hàng BIDV Tây Hà Nội để thanh toán cho CĐT đã lên đến 70% giá trị căn hộ. Việc chậm tiến độ bàn giao nhà của Dự án sẽ đẩy hàng trăm người thuộc diện mua nhà ở xã hội rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì hàng tháng chúng tôi sẽ vừa phải trả tiền lãi ngân hàng vừa phải trả tiền thuê nhà”, chị H. nói.
Nhiều câu hỏi về năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư
Trước động thái quyết liệt của khách hàng mua nhà tại dự án Bright City, sáng cùng ngày, ông Nguyễn Quang Anh – Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng cùng các đại diện khách hàng đã lập biên bản làm việc, tiếp nhận nội dung ý kiến phản ánh của khách hàng.
Theo đó, biên bản làm việc gồm những nội dung như: Khiếu nại việc dự án chưa được mua bảo lãnh ngân hàng nhưng đã được cho phép mở bán; Khiếu nại việc chủ đầu tư thi công cầm chừng tà A1.1 và A1.2, dừng xây dựng toà A2, A3 và đã chậm tiến độ; Đề nghị Sở Xây dựng tổ chức đối thoại giữa CĐT, nhà thầu, khách hàng, ngân hàng…
Được biết, dự án Bright City xuất phát là một dự án nhà ở thương mại, nhưng sau đó CĐT đã xin chuyển sang dự án nhà ở xã hội do thiếu vốn từ năm 2014. Dự án Bright City có quy mô gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng (A1.1, A1.2, A2, A3). Tổng số căn hộ là 1.496 căn, sau khi đi vào hoạt động cung cấp chỗ ở cho khoảng 4.500 cư dân người có thu nhập thấp.