Thời điểm năm 2019, Bộ KH&ĐT có tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội. Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến lên tới 125ha, trong đó sẽ làm trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị, hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.
Theo đó, Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào vận hành hạng mục trường đua từ năm 2021. Vốn đầu tư dự án khoảng 420 triệu USD, riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư gần 350 triệu USD. Hai nhà đầu tư là Tổng Cty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) được chọn thực hiện dự án.
Dự kiến, dự án tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp, trong khi các hoạt động phụ trợ (khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và công viên phục vụ cho văn hóa giải trí) dự tính thu hút khoảng 20.000- 25.000 lao động.
Đến năm 2020, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thành phố; chú trọng đưa vào hoạt động các dự án đầu tư có quy mô lớn như công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ (quận Tây Hồ)...
Tháng 5/2022, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo xã Tân Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tiến triển gì mới liên quan đến dự án trường đua ngựa - vốn được quy hoạch sử dụng gần hết cánh đồng của thôn Xuân Dục và một phần đất của xã Phù Linh.
"Địa phương cũng đã kiểm đếm, đo đạc, cắm mốc giới dự án, nhưng chưa có thông tin gì mới về việc triển khai dự án. Bà con nhân dân vẫn canh tác trồng cấy trên cánh đồng. Thời gian trước thì có việc di chuyển một số ngôi mộ khỏi khu vực dự kiến triển khai dự án", đại diện lãnh đạo xã Tân Minh thông tin.
Vị lãnh đạo xã Tân Minh cũng cho biết, đang tiếp tục chờ thông tin từ thành phố và huyện liên quan đến việc triển khai dự án này. Cũng rất may mắn khi chưa bàn giao mặt bằng, người dân vẫn canh tác được để tránh lãng phí trong thời gian dài vừa qua.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một vài người dân đang canh tác trên cánh đồng thôn Xuân Dục cho biết, họ cũng nghe được thông tin việc xây dựng dự án trường đua ngựa sẽ thu hồi ruộng của họ, nhưng một vài năm qua, chưa thấy triển khai. "Chúng tôi vẫn tiếp tục cấy trồng. Khi nào có thông tin chính thức thì tính sau", một người dân chia sẻ.
Tháng 6/2021, UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn hiện chưa triển khai do vướng mắc về việc góp vốn, về điều kiện giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Do đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đề xuất phương án để báo cáo Thủ tướng xem xét, tháo gỡ.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa ở Sóc Sơn do Tổng Cty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) là nhà đầu tư đến nay chưa triển khai do một số tồn tại, vướng mắc.
Cụ thể, về việc góp vốn thay, UBND thành phố Hà Nội cho hay: việc Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) góp vốn thay cho Tổng Cty Du lịch Hà Nội theo nội dung Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chưa thực hiện được do không có quy định tại pháp luật hiện hành.
Về điều kiện giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, UBND thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật đất đai và quy định của pháp luật liên quan, dự án gồm phần diện tích đất có chức năng công cộng và phần diện tích chức năng kinh doanh không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.
Do đó, nhà đầu tư phải thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do là nhà đầu tư nước ngoài nên nhà đầu tư không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân mà chỉ nhận quyền sử đất thông qua nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.
Từ những vướng mắc trên, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Sở Tài chính, Tổng Cty du lịch Hà Nội đề xuất phương án góp vốn của Tổng Cty du lịch Hà Nội trong đó lưu ý rà soát lại việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước và các quy định liên quan, thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp và các tồn tại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Sóc Sơn báo cáo nội dung tồn tại khi đối chiếu căn cứ pháp lý liên quan để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đề xuất phương án cụ thể báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo tháo gỡ.
Ngoài ra, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc và ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất cùng chủ đầu tư khẩn trương báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.