Dự án trồng rau trên cát ở Hà Tĩnh thua lỗ triền miền

TPO - Từng được kỳ vọng sẽ chống sa mạc hóa ở vùng ven biển Hà Tĩnh, nhưng sau 4 năm triển khai, dự án trồng rau củ quả sạch trên cát phải dừng lại khi càng đầu tư càng thua lỗ.

Từng hồi sinh vùng đất 'chết'

Dự án trồng rau củ quả sạch trên cát được doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (gọi tắt là Mitraco) trồng tại vùng ven biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà từ tháng 9/2013. Dự án được đầu tư với nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng, trong đó tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 18 tỷ đồng, còn Mitraco chi hơn 13 tỷ đồng chi phí lắp đặt, sản xuất.

Mục tiêu dự án sẽ hồi sinh lại môi trường vốn có ban đầu sau khi khai thác hết quặng titan, góp phần chống sa mạc hóa ở vùng ven biển; đồng thời, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn cung ứng cho người tiêu dùng.

Cảnh hoang tàn tại vùng đất nằm trong dự án trồng rau trên cát.

Từ năm 2013-2014, đơn vị Mitraco đã mua hơn 90 giống cây chịu nhiệt, chịu hạn vào trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, chỉ chọn được hơn 10 loại rau thích ứng cho vùng đất cát, cho năng suất cao như măng tây, hành tây, hành lá, củ cải, cà rốt…

Một năm sau khi triển khai, vùng đất “chết” được nhanh chóng hồi sinh bằng những cánh đồng rau xanh mướt. Trước tín hiệu đáng mừng, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Mitraco Hà Tĩnh hỗ trợ giống, chi phí phân bón rồi hướng dẫn người dân ở vùng ven biển thực hiện trồng rau theo mô hình này. Phía Mitraco Hà Tĩnh sẽ nhận bao tiêu sản phẩm.

Nhờ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, người dân vùng Thạch Văn (huyện Thạch Hà) trồng được các loại rau có củ phát triển tốt.

Từ những cánh đồng rau xanh mướt, mô hình trồng rau trên cát được nhân rộng, khi toàn tỉnh có 18 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng rau, củ quả trên diện tích khoảng 300ha. Năm 2014-2015, nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Môi trường đô thị, Công ty Đầu tư và Phát triển Công thương Miền Trung cũng tham gia đầu tư, đây được xem là thời điểm “thịnh vượng” nhất.

Hàng chục ha đất "chết" được "hồi sinh", Hà Tĩnh đặt ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 sẽ áp dụng công nghệ trồng rau củ quả trải rộng trên 684,1ha đất cát vùng ven biển.

Tuy nhiên, khi thực hiện đến năm thứ 4, thì dự án dần “chết yểu”, khi đầu ra sản phẩm rất khó, nên diện tích giảm dần theo thời gian. Tính đến đầu năm 2017, dự án đã giảm xuống còn 4 - 5 ha và sau đó ngừng đầu tư sản xuất.

Ngừng đầu tư vì thua lỗ!

Sau một thời gian hoạt động cầm chừng, đến năm 2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồi, nhượng lại dự án này cho tập đoàn kinh tế ở Hà Nội với giá hơn 8 tỷ đồng.

Ghi nhận của Tiền Phong, hiện tại nhiều diện tích đất nằm trong quy hoạch dự án đã bỏ hoang, thành nơi chăn thả trâu, bò. Một số khu nhà lưới, hệ thống điều hành không còn sử dụng. Trong khi đó, doanh nghiệp sở hữu mới đã chuyển đổi quy mô sang trồng thanh long nhưng phương án này cũng không mang lại hiệu quả.

Dự án chống sa mạc hóa nay hoang tàn.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân khiến dự án trồng rau trên cát “chết yểu” là do chi phí đầu tư bỏ ra lớn hơn chi phí thu về, sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh được sản phẩm trong nước trồng theo mô hình thông thường. Trong khi đó, dân chủ yếu lấy công làm lãi nên việc sản xuất không được duy trì ổn định.

Ông Nguyễn Anh Thắng, Trưởng phòng kinh tế - Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh Mitraco Hà Tĩnh cho biết, vùng đất cát ven biển có khí hậu khắc nghiệt, nhất là vào mùa nắng nóng. Vì thế có những vụ mùa trong năm không thể sản xuất.

Nói về hiệu quả của dự án, ông Thắng cho hay, mục tiêu của Mitraco là thử nghiệm những giống cây trồng mang lại hiệu quả trên cát rồi chuyển giao cho người dân thực hiện. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng ven biển.

“Quá trình thực hiện dự án đã đem lại hiệu quả xã hội tích cực, về lĩnh vực này doanh nghiệp đã thành công. Từ mô hình của Mitraco, hiện người dân vùng ven biển đang tiếp tục sản xuất các loại rau củ mang lại nguồn thu nhập đáng kể từ những vùng đất cát bạc màu”, ông Thắng chia sẻ.

Một lãnh đạo Công ty Mitraco cho hay, do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, trong khi đó chi phí sản xuất cao, mỗi năm dự án lỗ vài tỷ đồng. Vì Công ty Mitraco nguồn lực hạn chế nên tỉnh đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp mới để duy trì dự án.