Dự án Làng ĐH Đà Nẵng: Được giải thoát sau một thập kỷ bị “treo”?

TP- Trong chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng hôm 19/7, về dự án Làng Đại học Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị địa phương tự chủ động tìm hướng đầu tư. Tuy nhiên, với số vốn cần lên đến 1.700 tỷ đồng, đó là một thách thức không nhỏ.

Hôm qua, 20/7, trao đổi với Tiền phong, GS - TSKH Bùi Văn Ga, GĐ ĐH Đà Nẵng vui vẻ thông báo: Đã có một dự án khác là Đại học Mô hình mới (New mode University) đẳng cấp quốc tế sẽ được “lấp” vào đây.

“Treo” 11 năm vì quá hoành tráng!

Dự án Làng Đại học (LĐH) Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi từ tháng 12/1997, tại vị trí phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn và một phần diện tích của xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam).

Diện tích dự án 300 ha, quy mô đào tạo 30.000 sinh viên với tổng kinh phí đầu tư (tại thời điểm phê duyệt) là 1.700 tỷ đồng. Đến năm 1999, dự án đã được Chính phủ phê duyệt dự án khả thi, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được triển khai vì chưa có tiền !

Ông Phạm Tửu - tổ trưởng tổ 34 (phường Hoà Quý) than vãn: “Hàng trăm hộ dân trong tổ sống thấp thỏm 11 năm ni rồi, nhà không dám xây, thất nghiệp, đói meo mốc cũng không dám bán đất. Vì đất đó là của nhà nước rồi, ai cho bán nữa”.

Tổ 34 là một trong 5 tổ (từ 32 - 36) buộc phải giải toả để lấy đất xây dựng LĐH với 76 hộ (258 nhân khẩu). Nhà ông Tửu là tổ trưởng, có 4 con trai thì 1 người đã lấy vợ, 2 người còn lại cũng ngấp nghé thành hôn nhưng bị hoãn mấy lần.

“Cưới xong rồi chúng nó sống ở đâu. Thà người ta cho xây nhà thì vườn rộng đó, dựng cho nó túp lều. Nhưng khổ cái là không được” - Ông Tửu nói.

Nhiều căn nhà chờ giải toả do dân Hoà Quý xây dựng 

Ông Trần Công - Chủ tịch HĐND phường Hoà Quý, cho biết: “Riêng phường Hoà Quý có 420 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch làng đại học. Trong số này thì có 82 hộ đã được giải toả và bố trí tái định cư vì trường Cao đẳng công nghệ Việt - Hàn xây dựng trước. Số còn lại vẫn phải chờ.

Mỗi lần họp dân, chúng tôi đều cố gắng động viên nhân dân cùng chờ đợi. Đồng thời, khi tiếp xúc cử tri, lãnh đạo phường cũng nhiều lần kiến nghị. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn bởi quy mô dự án lên tới hàng trăm tỷ đồng. Bởi vậy nên không thể nói giải toả là giải toả ngay”.

Cũng theo ông Công thì một số hộ dân có nhu cầu xây nhà cấp 4 để ở vẫn được giải quyết. “Sửa chữa hay xây thì cũng phải xin phép. Nếu sửa nhà thì phường cấp giấy phép, còn xây mới thì phải được sự đồng ý của quận. Nhưng cũng là những trường hợp cấp thiết lắm và sau khi xét thực tế chúng tôi mới dám giải quyết”.

Đại học Mô hình mới, lối thoát cho LĐH Đà Nẵng ?

Ông Phạm Định - Chủ nhiệm điều hành dự án LĐH Đà Nẵng, cho biết: “Lường trước được sự khó khăn về vốn, từ tháng 10/1996, ĐH Đà Nẵng đã lập ra dự án quy mô nhỏ hơn với mức đầu tư 191 tỷ đồng, gồm 2 hạng mục: nâng cấp các cơ sở ĐH hiện có và xây dựng một số trường ở Hoà Quý, nhưng không được phê duyệt.

Thời gian sau đó, với hình thức làm “cuốn chiếu”, nhưng do thiếu vốn nên đến bây giờ, LĐH vẫn im lìm như cũ. Hiện nay mới chỉ có trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn (do chính phủ Hàn Quốc tài trợ - PV) là đã hoàn thành và đang hoạt động. Ban đầu, trường này không có trong dự kiến của LĐH”  - Ông Định nói.

Hôm qua (20/7), GS Bùi Văn Ga – GĐ ĐH Đà Nẵng cho Tiền phong biết: Dự án LĐH Đà Nẵng đã có một “lối thoát” khả thi, vấn đề là nắm bắt cơ hội đó như thế nào.

Theo GS Ga, Ngân hàng thế giới và một số ngân hàng ở châu Á đã trực tiếp làm việc với ông và đề xuất cho vay số tiền 125 triệu USD để xây dựng một Đại học Mô hình mới (New mode University) ngay trong khuôn viên đã quy hoạch của LĐH Đà Nẵng.

Dự kiến cuối năm nay hoàn thành thủ tục và đến đầu 2009 sẽ khởi công. Đây sẽ là trường đại học đẳng cấp quốc tế đầu tiên của Việt Nam và cũng là hướng mở cho sự bế tắc gần 11 năm nay của LĐH Đà Nẵng. 

Đại học Mô hình mới này sẽ đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, có chủ quyền trong việc lựa chọn giáo viên, tuyển sinh, quyền quyết định giáo trình, quy trình đào tạo. “Đại học Texas và một số trường ĐH ở bang California (Mỹ) đã hứa sẽ giúp đỡ về quy trình kỹ thuật, đào tạo...” - GS Ga nói.