Ngay từ đêm 29 tháp Chạp, nhiều làng quê Xuân Ngọc, Xuân Bắc, Xuân Phương…, pháo nổ ở nhiều điểm khác nhau. Không khó để tìm hỏi mua pháo. Theo các tay chơi, chỉ cần bỏ ra vài trăm đến trên dưới một triệu đồng xuống các điểm pháo lậu xã Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), đã có thể “tậu” về 4 – 5 quả pháo khác nhau. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh niên, giới trẻ trên địa bàn đi làm ăn xa, tìm cách “vận chuyển” pháo về quê.
Cương (27 tuổi, xã Xuân Bắc), tay chơi pháo bảo, dù quy định cấm đốt pháo nhưng năm nay thị trường pháo vẫn sôi động, đủ loại khác nhau từ pháo cối, pháo bệ, pháo hoa, pháo ống, pháo tép… Giá mỗi loại từ 200 – 400.000 đồng/1 quả. Thậm chí, có nhiều loại được nhập về từ Trung Quốc, giá trên 1 triệu đồng/1 quả.
Thay cho việc quây quần bên gia đình đón Giao thừa, một số thanh niên tụ tập đốt pháo tại các ngã ba, ngã tư đường hay chính tại nhà mình. Từ tối 29, tiếng pháo nổ ngoài đường mỗi lúc một dày đặc hơn. Ban đầu chỉ lác đác vài tiếng nhưng càng gần đến thời khắc giao thừa thì tiếng pháo càng mau hơn.
Ngay sau thời khắc Giao thừa, khắp các làng quê Xuân Ngọc, Xuân Bắc, Xuân Kiên, Xuân Tiến… trên địa bàn Xuân Trường, pháo nổ liên hồi, sáng rực cả bầu trời.
Theo quan sát, pháo của người dân được đốt đêm giao thừa chủ yếu là pháo sáng. Tuy nhiên, một số nhà đốt cả tràng pháo giấy dài, nổ to.
“Mấy năm đầu, sau khi nhà nước có quy định cấm đốt pháo, mọi người còn chấp hành nghiêm chỉnh nhưng gần đây, tình trạng ngang nhiên đốt pháo vẫn diễn ra phổ biến, như một phong trào mà ít khi thấy ngành chức năng đi kiểm tra, xử lý. Chỉ tuyên truyền rồi… để đấy nên nhiều người chưa “sợ” – ông Trần Công Hùng (67 tuổi, Xuân Ngọc) nói.
Người vi phạm có thể bị xử lý hình sự
Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt Nam. Mọi loại pháo nước ngoài đang được buôn bán trên thị trường Việt Nam đều bị tịch thu và tiêu hủy và thu hồi giấy phép kinh doanh, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chỉ thị cũng nghiêm cấm đốt pháo trong trụ sở các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang; nghiêm cấm đốt pháo gây nguy hiểm cho người khác, ảnh hưởng đến môi trường, trật tự chung như đốt pháo ở nơi công cộng...
Các tổ chức và cá nhân vi phạm Chỉ thị này ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu huỷ pháo và thuốc pháo tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm còn bị phạt như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất pháo trái phép; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán pháo, thuốc pháo trái phép; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu pháo; Phạt tiền từ 500.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định vận chuyển pháo.
Các vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm thì bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại hoặc nộp tiền phạt hành chính...