Dòng sông kể chuyện

TP - Dòng sông kể chuyện là một chương trình “đinh” trong Lễ hội Sông nước lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM, diễn ra trong tháng 8/2023. Chương trình là câu chuyện về lịch sử-văn hóa của một dòng sông và thành phố gắn với cái tên Sài Gòn. Câu chuyện ấy đang tiếp tục được kể với sắc thái mới và khát vọng đánh thức tiềm năng to lớn của sông nước ở thành phố này.

Trong suốt 3 ngày diễn ra Lễ hội Sông nước, người dân được đắm mình trong các hoạt động trải nghiệm ven sông và trên sông như: Không gian trên bến dưới thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 1) và bến Bình Đông (quận 8); Hoạt động diễu hành trên sông trang trí ánh sáng nghệ thuật các bến tàu, cầu cảng tại khu vực công viên bến Bạch Đằng và dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Giải đua thuyền ở Bến Bạch Đằng, các gian hàng trưng bày giới thiệu nông sản của TPHCM, các hoạt động nghệ thuật như như đờn ca tài tử, hát dân ca, chơi nhạc acoustic, các gian hàng tổ chức trò chơi dân gian… Bên cạnh đó là các chương trình du lịch đường thủy và tua kích cầu du lịch TPHCM với 22 sản phẩm du lịch tầm ngắn trên sông, 2 sản phẩm tua Mekong, 3 sản phẩm khu vực Cần Giờ…

Sông Sài Gòn- tiềm năng lớn cho du lịch đường thuỷ tại TPHCM

Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện là điểm nhấn của Lễ hội Sông nước khi tái hiện lại sự hình thành và phát triển của đô thị Sài Gòn- Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM trong suốt hơn 300 năm qua, nơi du khách được nghe, được chứng kiến và hòa mình vào với lịch sử của thành phố, từ thời những cư dân Việt đầu tiên neo thuyền trên dòng sông Lòng Tàu để rồi lựa chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Đó là quá trình mở cõi chinh phục thiên nhiên, xây dựng nên một đô thị sầm uất… cho tới những tháng năm đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước và tiếp tục xây dựng TPHCM trở thành một thành phố hiện đại, văn minh, với nhiều thế mạnh về kinh tế, văn hóa, giao thương quốc tế …

Du lịch đường thủy được xác định là một trong ba sản phẩm du lịch chủ lực của TPHCM. Lễ hội Sông nước là màn mở đầu, là một cú hích để thúc đẩy việc biến tiềm năng sông nước thành nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Du khách tham gia tua sinh thái Cần Giờ

Thời gian qua, dù du lịch TPHCM đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, song du lịch đường thủy, dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng lại đóng góp rất nhỏ. Chỉ có khoảng trên 1,1% lượt du khách đến TPHCM tham gia vào các loại hình du lịch đường thuỷ. Trong lần trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND vào tháng 7/2023, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cũng thừa nhận, hiện tại du lịch đường thủy tại TPHCM thấp hơn nhiều so với tiềm năng khai thác của thành phố.

Có lợi thế là một đô thị được hình thành từ sông nước với 23 km đường bờ biển, trên 80km sông lớn cùng trên 5.000km kênh rạch đan xen và kết nối với nhiều địa phương khác nhưng trong thời gian vừa qua, du lịch TPHCM mới chỉ phát triển được một số sản phẩm du lịch đường thủy ở quy mô nhỏ, chưa có sự kết nối nhiều với các điểm du lịch ven sông, các địa phương du lịch khác để có thể khai thác du lịch trên quy mô rộng, đa dạng.

Tái hiện cảnh sinh hoạt ngày xưa tại Lễ hội Sông nước

Đồng tình với ý kiến trên, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, giá trị sông nước của TPHCM là một tiềm năng rất lớn, nhưng vẫn chưa được khai thác đúng tầm. “Muốn đúng tầm thì không gian hai bên sông phải xanh, mặt tiền sông phải có cảnh quan hấp dẫn, phải có cộng đồng sinh động. Một đô thị sông nước phải có tuyến đường ven sông, có cây xanh, có nhà cao tầng, nhà thấp tầng với tầm nhìn thoáng và hài hoà với con sông. Hy vọng sẽ có sự hợp tác công tư để phát triển”, ông Sơn nói.

Ông Bùi Hòa An- Phó giám đốc Sở Giao thông- Vận tải TPHCM cho biết, thành phố hiện đang khai thác 913 km đường thủy, được chia thành 101 tuyến. Giao thông thủy cũng phát triển trên 4 tuyến sông chính, hệ thống kênh rạch kết nối với nhiều tỉnh, thành cùng với nhiều hoạt động kinh tế địa phương tạo bức tranh sinh động, nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy. Thời gian qua, thành phố đã hình thành nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch. Tuy vậy, sản phẩm du lịch còn hạn chế, chưa phong phú so với các địa phương và quốc gia có cùng tiềm năng.

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, mục tiêu được đặt ra trong năm 2024, lượng khách du lịch đường thủy đến TPHCM sẽ đạt khoảng 500.000 lượt và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu sẽ đón khoảng 100.000 lượt khách quốc tế đến bằng tàu biển. Tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại với doanh thu dự kiến sẽ đạt khoảng 300 tỷ đồng/năm và tăng bình quân khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Đến năm 2030 du lịch đường thủy sẽ trở thành một trong các loại hình, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, lịch sử hình thành của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TPHCM trong hơn 300 năm qua có dấu ấn đậm nét của những dòng sông. Dòng sông đã ôm trọn thành phố suốt chiều dài lịch sử từ khởi thủy đến văn minh. Sông và kênh rạch không chỉ góp phần kiến tạo dáng hình, diện mạo của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM mà còn mang theo dòng chảy sự đa dạng về văn hóa để hợp lưu và tiếp biến thành bản sắc văn hóa Nam Bộ, hình thành tính cách hào sảng, phóng khoáng, cởi mở, lạc quan, khát khao vươn ra biển lớn của người dân TPHCM. Đến hôm nay, với những cơ hội mới, dòng chảy lịch sử sẽ tiếp tục ghi dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển thành phố bên sông.